CHUYỆN TAM QUỐC
Chuyện Tam quốc
Cát Giang
Những ngày còn là chú nhỏ trong chủng viện, 12 đứa tụi tôi không hiểu do đâu được xếp chung vào một nhóm để rồi cứ mỗi chiều khi giờ chơi tới lại nhanh chóng ráp thành một đội bóng chuyền.
Ghiền bóng lắm, hể tiếng chuông báo giờ chơi vừa vang lên là thùi thụi xô nhau, là ba chân bốn cẳng ào ra như vỡ chợ. Mấy thằng ngồi gần cửa sổ còn liều mạng bay ra y như Tarzan, dù biết rằng dẫu nhanh hay chậm thì vẫn luôn có một chổ cho mình nơi sân bóng kia.
Chia hai phe, phe sáu đứa. Cho thêm máu lửa cả bọn lấy tên các nhân vật trong Tam quốc Chí ra mà gọi. Một bên là phe Lưu Bị, còn bên kia phe Tào Tháo. Là kẻ sáng tác ra cái trò Tam quốc nên tụi tôi chọn ngay cho mình các nhân vật thuộc chính phái Lưu Huyền Đức, còn lũ bên tà phái Tào A Man thì thí cô hồn cho bọn nó. Và cứ thế mỗi thằng khoác cho mình vai một hổ tướng đời xưa. Ngoại trừ tên của Tào Tháo và Lưu Huyền Đức là bị cấm, vì chả thằng nào chịu để cho thằng khác được làm chúa công, được ăn trên ngồi trốc, được cởi đầu cởi cổ thiên hạ, còn tất cả tên các tướng Tam quốc còn lại đều được thoải mái dùng. Thế là mỗi lần ra sân, mỗi đứa mỗi tuồng tha hồ mà diễn. Thằng thì sắm điệu bộ vuốt râu, thằng thì chắp tay xoay vòng, đứa lại hạ chân hạ cẳng sàng xê như dân hát bộ : Như ta đây là Triệu Tử Vân. Như ta đây là Quan Vân Trường. Như ta đây ứ… ư… là Trương Cáp, Hạ Hầu Đôn…
Riêng hai thằng chơi dở nhất, hai cái hũ gạo mà đối phương chuyên rót banh kiếm điểm, nghĩa là những thằng chả phe muốn nhận thì bọn chúng đồng lòng tôn lên cho làm quân sư !
Trong truyện Tàu, quân sư quạt mo là loại người chỉ biết ngồi chơi xơi nước, chuyên núp sau màn che trướng phủ mà chỉ tay năm ngón, mà mở miệng phán tào lao chớ còn chuyện đánh đấm thì xin. Tôi chính là một trong hai cái hủ gạo tình thương ấy. Thuộc phe Lưu Bị nên tôi được phong làm Khổng Minh. Thuở ấy tôn chỉ của Khổng Minh này là dĩ hòa vi quý. Nhưng quân sư của tụi Tào Tháo không để cho Minh này được yên. Hắn là một tay miệng lưỡi, hắn rất xứng với cái vai Tư Mã Ý mình đóng. Trên sân bóng, cái miệng của quan Tư Mã kia không lúc nào chịu ở yên, lúc nào cũng y như khẩu đại liên nổ liên hồi kỳ trận. Vừa nhận vai quân sư xong là hắn đã xách mé gọi quân sư bên này là Khổng Lưu Manh. Mà ở đời hễ sinh sự thì sự sinh, giữa chốn ba quân Lưu Manh liền lập tức gân cổ lên mà xướng to tên hắn : Tư Hột É. Thế là kể từ độ ấy, trước khi bắt đầu bất kỳ một trận đấu nào cũng đều luôn có màn khẩu chiến rôm rả do quân sư hai bên xách động. Tụi nó réo : Xách Bị. Ta liền hô : Tàu Phù. Tui nó kêu : Phản tặc. Ta liền thét : Gian thần. Dù không phèng la não bạt phụ họa, nhưng cái màn khẩu chiến này cũng ầm ỉ và huyên náo chả khác gì mấy trò khích tướng đời xưa.
Còn nhớ ngày nhận chức quân sư, Khổng Minh có làm mấy câu thơ rồi đem bỏ vào năm túi gấm truyền giao cho năm hổ tướng của mình là Trương Phi, Quan Vân Trường, Mã Siêu, Ngụy Diên cùng Triệu Tử Vân nhét vào cạp quần với lời dặn khi nào xung trận mà gặp nguy biến thì nhớ thò tay lấy ra mà dùng. Nội dung câu thơ túi gấm ngày ấy thiết nghỉ rất đáng được bộ môn bóng chuyền ngày nay đưa vào cẩm nang huấn luyện :
Một tay đập là chết ngay
Ba tay chụm lại nó bay ra ngoài…
… Ôi ! Những thứ ngỡ chỉ là trò đùa ấy sao mà cứ nhớ mãi…
Cát Giang
Recent Comments