ĐÃ CÓ MỘT LẦN

ĐÃ CÓ MỘT LẦN
Tác giả: Lm. Anton Nguyễn Huy Điệp.

dacomotthoiCó tiếng nhạc điện thoại reo vang:

  • Chào anh Long , em đây.
  • Chào cha, còn hai tuần nữa là phát hành tập san của cựu chủng sinh và tu sĩ vùng Phú Yên. Nhờ cha viết cho một bài để đăng trong tập san?
  • Anh muốn em viết về đề tài gì?
  • Đề tài nào cũng được, miễn là có liên quan tới chúng mình.

Cuộc trò chuyện qua điện thoại này đã diễn ra khi tôi đang ở ngoài bắc, tại nguyên quán của mình: làng Từ Châu, quận Hà Đông , Hà Nội. Cha mẹ tôi đã sinh ra và sống tại đây, cho đến khi vào nam năm 1954. Một năm sau đó, tôi sinh ra tại Củ Chi, nay thuộc tp HCM. Tôi về quê để tham dự lễ phong chức Linh mục của người cháu gọi tôi bằng chú, tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, ngày 30.03.2016.

Ngày hôm sau, 31.03.2016, Tân Linh mục cử hành Lễ Tạ Ơn tại làng quê mình, mà người bắc vẫn gọi là “vinh qui bái tổ”. Mỗi lần về thăm làng, tôi lại được “thưởng thức”những  hình ảnh còn lại của một nếp sống, mà hồi còn học tiểu học, tôi đã phải học thuộc lòng những bài mô tả cảnh làng quê trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Đặc biệt hôm nay, tôi được tham dự Lễ Tạ Ơn của một Tân Linh mục tại làng quê. Thánh Lễ Tạ ơn đã diễn ra thật trang trọng, với hơn 30 cha đồng tế, có đội kèn đội trống lớn nhỏ. Các đoàn thể mặc đồng phục đủ màu, xếp hàng đi rước. Giáo xứ làng tôi có đến 15 đoàn thể, mỗi lứa tuổi đều có hội đoàn phù hợp. Ai không vào đoàn thể sẽ cảm thấy lẻ loi. Giáo dân tham dự thì hầu như cả làng. Họ sống quây quần bên nhau, giữa làng là ngôi Nhà thờ với tháp chuông cao vút…

Kể hơi dông dài chuyện Lễ Phong Chức như thế, là để đi vào trọng tâm câu chuyện của chúng ta: Là những cựu chủng sinh tu sĩ, ai cũng giống nhau ở chuyện “đi tu”. Nếu bây giờ,  có người là các Giám  mục, Linh mục hay Tu sĩ, hoặc đang là ông bà, cha mẹ trong gia đình, thì chúng ta đều đã trải qua một thời sống trong chủng viện hay nhà dòng.

Mỗi lần về tham dự ngày họp mặt CCS&TS miền Phú Yên, vào thứ hai sau CN Chúa Chiên Lành hàng năm,  tôi thấy các anh chị em về tham dự đông đảo và đầm ấm. Tôi cũng không ngờ anh chị em lại đông như thế. Vì lúc tôi làm cha phó Tuy Hòa thời Cố Văn, sinh hoạt này chưa được tổ chức. Ai cũng có một khoảng trời kỷ niệm không thể nào quên, chỉ chờ một phát súng khởi động, là nhiều cánh tay giơ lên hưởng ứng.

Ơn gọi Linh mục và Tu sĩ đã và đang là tinh hoa của Giáo Hội Công Giáo. Cuộc đời dâng hiến, cũng như sự hình thành và phát triển của các dòng tu nam nữ, đã làm cho vườn hoa Kitô giáo ngày thêm rực rỡ tươi vui, đang góp phần tạo nên khuôn mặt đẹp và dịu dàng hơn cho con người và cuộc sống trên trần gian này.

Ơn gọi đi tu đã hình thành nơi tâm hồn nhiều Kitô hữu. Nhưng không phải tất cả những ai bước chân vào chủng viện hoặc dòng tu đều trở thành các Linh mục hay Tu sĩ. Luận về điểm này, ông bà chúng ta đã nói: Trăm hạt thóc bóc một hạt gạo. Đan cử trường hợp của lớp tôi chẳng hạn. Ngày 15.08.1967, lớp tôi gồm 54 chú đi tựu trường tại Tiểu Chủng viện Qui Nhơn. Đây là các chú đã trúng tuyển vào chủng viện trên hàng trăm chú dự thi từ 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên của giáo phận Qui Nhơn. Năm 1974, lớp tôi chỉ có 14 thày lên Đại Chủng Viện. Năm 1975, còn 8 thày. Năm 1983, còn 6 thày. Và cái chữ “còn” khắc nghiệt ấy cứ tiếp tục theo đuổi lớp tôi cho đến năm 2009, lúc để tạm tổng kết: Số sót đạt đích hiện nay là  03 Linh mục, được chia cho 03 quốc gia là Mỹ, Úc và Việt Nam; phút cuối được thêm 01 Phó tế Vĩnh viễn tại Hoa Kỳ. Sang năm, chúng tôi sẽ tổ chức lễ Kim khánh của lớp 1967. Từ mười năm nay, cứ mỗi hai năm, lớp tôi lại họp mặt một lần. Khi nhiều lúc ít. Ai còn sống thì cũng bước sang tuổi thọ, rồi có sui, có cháu nội ngoại… Mỗi lần gặp nhau thì hầu như không thiếu chuyện để nói, nhưng cũng luôn xoay quanh một thời ăn cơm Nhà Chúa, một điều mà không thể tìm được nơi thế gian!

Tại sao thế? Vì đó là một thời hạnh phúc và vô tư. Sau năm 1975, các Tiểu chủng viện không còn nữa, thời điểm bắt đầu đi tu là sau phổ thông hoặc đại học. Còn trước đó, các chủng sinh hay đệ tử vào Nhà Chúa thường là năm 12 tuổi, khi mãn tiểu học, cũng như Chúa Giêsu năm 12 tuổi được lên Đền thờ Giêrusalem  dự Lễ Vượt Qua với cha mẹ ( Mt 2,41 ). Đây là thời gian sau tuổi thơ ấu chẳng biết gì. Bây giờ là thời của “tờ giấy trắng” đã sẵn sàng để Chúa và thiên nhiên ghi khắc những kỷ niệm đầu tiên làm người, với ý thức của riêng mình. Được vào Nhà Chúa như thế, là thuộc vào hàng ưu tuyển trước mặt Chúa và người ta chứ còn gì?. Nhìn lại những tấm hình hồi còn học lớp đệ thất, tôi thấy khuôn mặt của các chú sao mà ngây thơ sáng láng đến thế. Được cha mẹ và mọi người yêu thương quí trọng, được đi đó đi đây, được sống trong môi trường xanh sạch đẹp cả về vật chất lẫn tinh thần. Biết bao kỷ niệm ngây ngô và êm đềm ấy đã trở thành một thủa ban đầu lưu luyến. Một anh bạn lớp tôi, xuất tu ngay năm đệ lục, không  vắng mặt bất kỳ cuộc họp mặt nào, đã chia sẻ: “Dù chỉ một ngày được sống trong chủng viện, cũng trở thành một kỷ niệm không bao giờ quên”.

Những tháng ngày trong Nhà Chúa, tuổi niên thiếu của con người được sống, được huấn luyện, được tiếp cận với nhiều lãnh vực:

  • Thánh thiêng: học hỏi giáo lý, tập cầu nguyện, hình thành đời sống thiêng liêng và đạo đức…
  • Nhân cách: phép lịch sự, chương trình sống, tạo nền tảng cho đời sống nhân bản…
  • Nhân văn: ảnh hưởng cuộc đời của các thánh nhân, hiền nhân và các bậc quân tử…
  • Và dĩ nhiên, môi trường tri thức luôn được xây dựng và củng cố từ căn bản…

Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đã đủ để một con người có khởi đầu tốt đẹp, tạo nên một ấn tượng không bao giờ quên, có ảnh hưởng trong suốt cuộc đời, cho dù bây giờ đang sống bậc nào của Ơn Gọi căn bản là Kitô Hữu.

Sinh hoạt của các CCS&TS ở Phú Yên, hoặc khắp nơi, chính là để nhắc nhở nhau rằng: Chúng ta đã có một thưở được sống trong vườn Địa Đàng, để sau này lại được họp nhau trên Thiên Đàng. Hãy sống như những người được Chúa thương xót và ưu tuyển.

 

Gx Đồng Tre ngày 10.04.2016

Lm Antôn Nguyễn Huy Điệp

Leave a Reply