LÒNG THƯƠNG XÓT

LÒNG THƯƠNG XÓT
Lm. Ngọc Bích, CMC (ccslsqn73)

longthuongxot“Phố đêm,

đèn mờ giăng giăng,

màu trắng như vì sao gối đầu ngủ yên”…

Đó là đoạn mở đầu bài hát Phố Đêm của nhạc sĩ Tâm Anh. Bài hát với cung giọng trữ tình, man mác, sâu lắng hẳn đã làm rung động không ít tâm hồn. Nhưng, nếu có phải bình chọn một đoạn nào hay nhất sâu sắc nhất, có lẽ xin là đoạn kết :

 

Cho tôi mười ngón thiên thần,

cho tôi mười ngón thiên thần,

Để tôi dìu người tôi yêu,

Dìu người không yêu,

Và dìu người chưa yêu”.

Hay nhất và sâu sắc nhất, vì nó chuyển tải một cái nhìn rất nhân bản, nói lên tâm ý của người nhạc sĩ là muốn dùng đôi tay “mười ngón thiên thần”, dùng cuộc đời “phong sương”, “vai áo bạc phai mầu” của mình, để nâng đỡ anh chị em đồng loại, dù họ là người “tôi yêu”, hay “chưa yêu” và kể cả “không yêu”. Có lẽ một cuộc sống dấn thân vì tha nhân như thế cũng là ý hướng mà nhạc sĩ gợi lên trong lòng người hâm mộ.

 

Sau Công Đồng Vaticanô II, người ta nhận định rằng Hội Thánh tại Á châu vươn lên cách mạnh mẽ. Có nhiều giáo dân nhiệt thành, tràn đầy Thần Khí và ý thức hơn về ơn gọi chuyên biệt của mình trong cộng đoàn. Có nhiều phong trào tông đồ và đoàn sủng mang đến một luồng sinh khí mới cho giới trẻ và gia đình trong việc sống Tin Mừng. Có nhiều chứng tá anh dũng đến mức đổ máu là nguồn mạch cho sự giàu có thiêng liêng, và là hạt giống phát sinh một mùa gặt các linh hồn chín mùi phong phú. Được như thế là vì Hội Thánh tại Á châu, trong đó có Hội Thánh Việt Nam, ý thức mạnh mẽ hơn về bản tính truyền giáo và trách nhiệm truyền giáo của mình, đồng thời nỗ lực dấn thân trong việc loan báo Tin Mừng.

Thế nhưng động lực nào thúc đẩy người Kitô hữu dấn thân trong công cuộc loan báo Tin Mừng? Thiết tưởng động lực đó chính là lòng thương xót nơi chúng ta. Và để có được tấm lòng này thì chính bản thân phải cảm nhận Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho mình hoặc cho một ai đó. Xin kể ra đây một cảm nhận. Số là hôm Chúa Nhật II Phục Sinh 2016 vừa rồi, mình quá giang xe của một nhóm anh chị em Tuy Hòa hành hương, đi về Sài Gòn để mừng một dịp lễ đặc biệt trong Dòng Đồng Công. Trên đường, ghé thăm một người bạn cũ vì nghe tin anh bị bệnh nặng gần chết. Không ngờ khi tới nhà thì anh vừa mất buổi sáng. Hai anh em cùng đi tu Tiểu Chủng Viện Qui Nhơn trước năm 1975, được vài năm học thì biến cố đất nước tháng 4 năm 1975 xảy đến nên TCV giải tán và mỗi người mỗi ngã. Nhiều năm sau này anh đã lập gia đình. Gia đình có phép đạo này sau đó tan vỡ … Anh lại lập gia đình mới và như thế sống trong tình trạng rối. Không hiểu vì sao anh lại không đem các con đi Rửa Tội, và như thế các con cũng như người vợ sau không hề biết Chúa, cũng như chính anh đã xa lìa Hội Thánh bấy lâu nay vậy. Nhưng rồi gia đình thứ hai này cũng tan vỡ, ly dị… Từ đó, trong cô độc, anh buông theo dòng đời, tìm an ủi nơi những phù vân bất chính… Thiên Chúa vẫn luôn khoan dung, nhẫn nại, chờ đợi và trào đổ lòng thương xót. Trong bao năm qua, mình đã kêu gọi anh trở về với Ngài. Dầu vậy, con đường trở về của anh dường như vẫn còn xa vời… Nhưng cuối cùng Lòng Thương Xót đã chiến thắng. Thật vậy, trong những tháng cuối đời, khi lâm trọng bệnh, anh đã xin lãnh các phép bí tích sau hết. Chúa đã gọi anh giã từ trần gian trong buổi sáng đẹp ngày đại lễ kính Lòng Thương Xót, như dấu chỉ của tình thương xót tha thứ, phục hồi và phục sinh mà Ngài dành cho anh. Cảm thương hoàn cảnh của anh, mình đã đồng hành với tang gia cùng cộng đoàn để cầu lễ, hơn thế nữa, còn được cha sở mời dâng lễ an táng cho anh. Điều này nằm ngoài chương trình, nhưng tin rằng đây cũng là thánh ý yêu thương của Chúa dành cho anh, nên đã nhận lời. Nghĩ về cuộc đời của người bạn ấy, anh đã có một khởi đầu tốt (đi tu), đoạn giữa sống xa cách Thiên Chúa và Hội Thánh (ly dị, tái hôn, ly dị,..) nhưng đoạn kết (sám hối trở về, chịu các bí tích, chịu đau khổ để đền tội và chết trong ngày lễ kính Lòng Thương Xót) thì tuyệt vời! Cuộc đời anh hệt như người con hoang đàng trở về bên người cha giàu lòng thương xót để được phục hồi địa vị, hệt như người trộm chịu đóng đinh bên hữu Chúa Kitô trong phút 89 cuộc đời đã “trộm” nước thiên đàng.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhiều lần thúc bách chúng ta tín thác vào Lòng Thương Xót. Theo ngài, trong thời đại hôm nay, là những con người dao động đang chơi vơi giữa sự trống vắng của tự cao và thấp hèn của tuyệt vọng, cảm nghiệm về lòng thương xót của Chúa là một sự cần thiết lớn lao hơn bao giờ hết, bởi vì nếu không có Lòng Thương Xót, thế giới có thể tìm thấy ở đâu nơi nương tựa và ánh sáng hy vọng?  Trong chiều hướng đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dẫn Hội Thánh bước vào Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016 này. Đây là thời điểm các tín hữu được mời gọi chiêm ngắm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cách chăm chú hơn, để có thể trở nên dấu chỉ hữu hiệu của mầu nhiệm Thiên Chúa hành động trong cuộc đời mình. Năm Thánh còn là cơ hội thuận tiện để chứng từ của các tín hữu nên mạnh mẽ và hữu hiệu hơn (x. Dung Nhan Lòng Thương Xót, số 3).

“Người đương thời sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe các thầy dạy, bởi vì chính các thầy dạy cũng là những chứng nhân” (Đức Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi 41). Ngày nay, Giáo Hội, Hiền Thê của Đức Kitô thích dùng phương dược chữa lành của Lòng Thương Xót hơn là vung khí giới của sự nghiêm khắc. Hãy làm một người mẹ khả ái, tốt lành, nhẫn nại, đầy khoan dung, nhân hậu và là chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa, như thế cả cuộc đời ta sẽ là đoạn kết :

 

Cho tôi mười ngón thiên thần,

cho tôi mười ngón thiên thần,

Để tôi dìu người tôi yêu,

Dìu người không yêu,

Và người chưa yêu”.

LM. NGỌC BÍCH, CMC

 

Leave a Reply