TU XUẤT

TU XUẤT
Dom.Lê Văn Long

cs “Tu xuất” là một từ được dùng để chỉ những người từng có một thời gian nào đó sống trong chủng viện hoặc các dòng tu.

Với các giáo dân, thường thì họ không thiện cảm lắm với dân tu xuất, họ xem đó là những người đã phá bỏ ơn Chúa. Những kẻ đã ở trong nhà Chúa, được ăn cơm nhà Chúa, được giáo dục đặc biệt để trở nên tông đồ cho Chúa, thế mà lại không chịu lo học hành tu trì để đến nỗi phải bị sa thải thì nhất định rồi đây sẽ bị Chúa phạt, sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì…

Ngoài ra, chính bản thân những người tu ra cũng thường mang mặc cảm. Trước đây, khi còn mặc áo nhà tu, mỗi lần ra đường ai ai cũng chào đón niềm nở. Chào thầy, chào Soeur. Rồi có khó khăn gì mọi người cũng sẵn sàng giúp đỡ. Hễ đã là ông thầy, bà Soeur lập tức họ trở thành những người đặc biệt, nhưng một khi đã cởi chiếc áo nhà tu ra rồi thì cái vị trí đặc biệt ấy không còn nữa. Xuất tu, họ trở thành những người dám bỏ Chúa để nghe theo tiếng gọi của thế gian ma quỉ xác thịt, họ chẳng khác nào… phạm tội trọng !

Nhưng hãy có cái nhìn bao dung hơn chứ đừng khắt khe với dân TARU như thế. Khi một tu sĩ nào đó có quyết đinh rời bỏ đời tu để trở về với đời thường chắc chắn họ phải chịu rất nhiều áp lực đến từ nhiều phía: gia đình, bà con, lẫn dư luận xung quanh… Phải nói rằng khi chọn cho mình một hướng đi khác, một ngã rẽ cuộc đời chắc hẳn những người ấy đã rất can đảm. Nhất là đối với những kẻ tu lâu năm, đã được lãnh nhận các chức Thánh của Giáo Hội.

Áp lực đầu tiên của dân TARU chính là sự hiểu biết về cuộc đời, họ đã “học một đường nhưng lại đi làm một nẻo”. Sống trong nhà tu thì chỉ được học về triết học, thần học, phụng vụ… Nói chung là ở đó chỉ dạy những gì giúp họ trở thành linh mục hoặc tu sĩ “chuyên nghiệp” phục vụ cho Giáo Hội chứ không hề dạy những kiến thức để kiếm ăn.

Bao lâu còn sống trong nhà tu, họ còn được Giáo Hội bao nuôi ăn ở miễn phí, chẳng phải lo lắng gì về kinh tế nhưng khi đã cởi áo tu ra rồi, họ cũng phải đối mặt với những thử thách cả về sinh kế lẫn gia đình con cái như bao người khác. Nhưng biết làm sao đây, đã nhảy xuống nước thì phải tự bơi để có thể tồn tại với đời mặc dù trước đó không hề được… học bơi.

Tôi biết phần lớn các tu sĩ giáo phận Quy Nhơn đều có xuất thân từ những gia đình nghèo, kể cả trước biến cố năm 1975 và bây giờ vẫn vậy! Có điều dân tu xuất trước biến cố 1975 thì với học vấn và kiến thức mình có, họ vẫn dễ tìm công ăn việc làm, dễ tìm cho mình một vị trí xứng đáng trong xã hội. Còn sau năm 1975 thì họ phải chấp nhận làm đủ thứ nghề để kiếm sống, kể cả lao động chân tay như xích lô ba gác… Nhiều người phải phiêu dạt tới những vùng đất xa xôi, phải chấp nhận đi kinh tế thì mới có được một mảnh đất cắm dùi. Vất vả là thế mà thiên hạ chẳng những không thông cảm thì thôi lại còn gán thêm cho hai chữ “Chúa phạt” !

Có lẽ niềm hạnh phúc nhất của dân tu xuất bây giờ là những dịp được gặp lại bạn bè tu xuất nhất là những người cùng chung lớp, chung trường, nói chung là những kẻ đồng cảnh ngộ. Khi ấy bao kỷ niệm vui buồn trong ký ức lại được cùng nhau chia sẻ…

Giờ đây, sau hơn 40 năm kể từ biến cố 1975, nhìn lại dân TARU Phú Yên nói riêng và cả giáo phận Quy Nhơn nói chung, tất cả đều đã an cư lạc nghiệp. Một số anh chị em cũng đạt được những thành công trên đường đời, cuộc sống kinh tế phát triển, con cái học hành làm ăn thành đạt. Mừng nhất là đã có những linh mục, tu sĩ xuất thân từ các gia đình tu xuất. Với những gia đình ấy, ước nguyện mà TARU CỐ ngày xưa bỏ lỡ thì giờ đây đã có con cháu hoàn tất, thế hệ thứ hai này đã trở thành những tông đồ nhiệt thành rao giảng tin mừng nước Chúa đến cho muôn người  .

Dù có bị  “Chúa phạt”  thì mãi mãi chúng con vẫn xin “Tạ ơn Ngài”.

 

Mùa phục sinh 2016

Dom .Long.

Leave a Reply