NHƯ ĐÀN CHIM HÓT SUỐI REO ĐẦU NGÀN

NHƯ ĐÀN CHIM HÓT SUỐI REO ĐẦU NGÀN

(CHÚA NHẬT 4 PS (Năm C 2016), CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH

NGÀY QUỐC TẾ CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI LINH MỤC-TU SĨ)

paulNếu sách Công Vụ Tông Đồ trong những ngày nầy cho chúng ta sống lại “cái thuở ban đầu hồn nhiên và thánh thiện của Hội Thánh Chúa Ki-tô”, thì cũng ở nơi những trang “nhật ký” tuyệt vời nầy, bao nhiêu hình ảnh và chứng từ sống động của Phêrô, của các Tông đồ, của Stêphanô, của Philipphê, của các Ki-tô hữu thời sơ khai, và nhất là của Vị Tông đồ “ngã ngựa trên đường Đa-mát” – Phaolô, càng làm cho chúng ta cảm nhận sự hiện diện thân thương và đầy quyền năng Thánh Thần của Đức Ki-tô, Vị mục Tử nhân lành đang chăm sóc “đoàn chiên bé nhỏ” mà Ngài mới chính thức thiết lập trên trần gian, sau khi Ngài từ cõi chết sống lại, nhất là kể từ biến cố Lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Trích đoạn sách CVTĐ hôm nay thuật lại con đường truyền giáo đầy nhiêu khê vất vả của hai Tông đồ Phaolô và Banaba qua các địa danh Pec-ghê, Antiokia, Pixidia, Icônium… ; các ngài đã gặp trở ngại và sự chống đối mạnh mẽ của những người thuộc Do Thái giáo khi các Ngài loan báo Tin Mừng về Chúa Giêsu. Tuy nhiên chính sự quay lưng chối từ của họ, đã củng cố cho “ơn gọi loại biệt” của hai vị tông đồ nầy là “quay về phía dân ngoại”, một sứ mệnh mà cho tới mãi hôm nay, đã không còn là chuyện “loại biệt của một số tông đồ”, nhưng là sứ vụ chung cho toàn thể Hội Thánh, sứ vụ “Đi Ra”, như lời khẳng định trong tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” của Đức đương kim Giáo hoàng Phanxicô :

“Sau cùng, chúng ta không thể quên rằng loan báo Tin Mừng trước hết và trên hết là giảng Tin Mừng cho những người không biết Đức Giêsu Kitô hay luôn luôn chối bỏ Ngài.” (Số 14).

“Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (Số 20)

 

Nhất là lời kêu gọi của Ngài trong Năm Thánh lòng thương xót :

Trong Năm Thánh này, chúng ta có thể trải nghiệm việc mở lòng tiếp nhận những người đang sống tại những vùng ven xa xôi nhất của kiếp nhân sinh, thường được tạo nên trong cảnh khốn cùng do chính thế giới ngày nay…. Ước gì bàn tay chúng ta nắm lấy đôi tay họ và kéo họ đến với chúng ta. Ước chi tiếng nói của họ trở thành tiếng nói của chúng ta, và ước chi chúng ta có thể chung tay phá đổ những rào cản của thái độ dửng dưng lãnh đạm, vẫn thường được dùng để che giấu thói giả hình và tính ích kỷ.” (Tông sắc Dung nhan LTX sô 15)

 

Cái viễn tượng muôn dân được nghe loan báo Tin Mừng, được hưởng niềm vui ơn cứu độ, được trở thành “đoàn chiên được chăm sóc trong mái nhà Thiên Chúa” đã không bao giờ là một viễn cảnh mơ hồ hay một dự định hoang tưởng ; nhưng đó chính là cùng đích, là điểm đến chung cuộc trong kế hoạch diệu kỳ đầy tình thương của Thiên Chúa mà nhiều trang Kinh Thánh đã nêu bật. Hôm nay, chúng ta đã nghe sách Khải huyền mô tả :

“Tôi là Gioan, tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên…Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ” (Bđ 2 : Kh 7,9.14-17)

 

            Đó cũng chính là niềm hy vọng ngút ngàn mà Dân Chúa từ bao nhiêu ngàn năm trong lịch sử đã cảm nhận qua bài thánh vịnh được ngâm nga nhiều nhất, thánh vịnh về Người Mục Tử Thiên Chúa :

            “Chúa là Mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

            Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.

            Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi…

            Lạy Chúa, Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc…

            Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,

            Ly rượu con dầy tràn chan chứa…” (Tv 22)

            Tuy nhiên, nếu tinh ý một chút, chúng ta có thể nhận ra rằng : nơi những hình ảnh thoạt như tình cờ, chân quê mộc mạc của môi trường du mục trên vùng thảo nguyên Palestine được mô tả trong thánh vịnh 22 lại cưu mang cả một “kho tàng ý nghĩa” sẽ được đong đầy và hiện thực ngay chính trong Mùa Phục Sinh nầy.

            Thật vậy, nếu Gia-vê Thiên Chúa, “Người Mục Tử của cựu ước” dẫn dắt đoàn chiên với “dòng nước trong”, với “rượu đầy tràn”, với “dầu thơm lựng”, thì “Người Chăn Chiên của Tân ước”, Đức Kitô -Tử nạn – Phục sinh, đã chăm sóc “đoàn chiên mới” với “dòng nước tinh tuyền của Nhiệm tích Thánh Tẩy”, với “ly rượu, tấm bánh là chính Máu Thịt Người”, với “Dầu Thánh Thần được thông ban qua hồng ân Thêm Sức”.

            Chẳng phải trọng tâm của mùa Phụng Vụ Phục Sinh đó chính là cử hành, sống và đào sâu ý nghĩa của ba Nhiệm Tích Khai Tâm Kitô giáo : Thánh Tẩy, Thánh Thể và Thêm sức đó sao ! Và đó chính là phương thế, là con đường, là năng lực “Người Chăn chiên vô hình Giêsu” đã chọn để chăm sóc, dẫn đưa và nuôi sống đoàn chiên mà Ngài đã cứu chuộc bằng chính cuộc Nhập Thể-Tử nạn- Phục sinh của Ngài suốt 2000 năm nay và cho mãi đến tận thế.

            Khẳng định điều đó cũng có nghĩa là một lần nữa chúng ta tuyên xưng : Hôm qua, hôm nay và mãi mãi, “Người chăn chiên vô hình Giêsu-Kitô” chưa bao giờ buông tay bỏ mặc “đoàn chiên nhỏ” của Người, bởi chính Người đã long trọng xác quyết cách đây 2000 năm với người Do Thái, và hôm nay với mỗi người chúng ta :

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi…” (Tm Ga 10,27-28)

            Cho dù lời đoan quyết đó chưa hiện thực hoàn toàn trong thế giới hôm nay, bởi chưng, như chính Ngài đã tiên báo : “Tôi còn những chiên khác không thuộc ràn nầy. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).

            Cũng chính trong ý nghĩa đó mà sứ điệp Lời Chúa được chuyển tải trong chính Ngày Chúa Nhật đặc biệt nầy, không chỉ để chúng ta suy niệm, sống và xác tín mà còn để thiết tha nguyện cầu cho “Đàn chiên của Đức Kitô mỗi ngày thêm đông số” và được chăm sóc đàng hoàng, và nhất là, cho Giáo Hội hôm nay có thêm những Phaolô và Banaba, có thêm những Phêrô và Philipphê, có thêm những Maria Mađalêna, những Phaxicô Xavie, những Têrêsa Hài Đồng, Têrêsa Calcutta…những tâm hồn quảng đại biết “đập bể bình dầu cam tùng tuyệt hảo của chính cuộc đời mình để làm rực lên mùi thơm cho căn nhà Hội Thánh” [1]

            Hy vọng rằng, sau  chính ngày Chúa Nhật hôm nay, đâu đó trên muôn vạn  nẻo đường thế giới, sẽ rộn rã bước chân vui và âm vang tiếng cười và câu ca của nhiều bạn trẻ, những câu ca mang đầy hy vọng cho một thế giới mới, thế giới yên vui của Người Mục Tử nhân lành :

“Chân đi đạp đồi non biển đời bao sóng gió. Ngài đỡ nâng con dù nguy biến vẫn ở cùng con. Yêu thương làm hành trang ngọn đèn tim thắp sáng. Một đời vui như đàn chim hót suối reo đầu ngàn.” [2]

  1. Giuse Trương Đình Hiền

[1] Theo cách nói của Thánh GH Gioan-Phaolô II trong Tông huấn “Đời Thánh Hiến”

[2] Bài hát “Tâm tình hiến dang’ của nhạc sĩ Oanh Sông Lam.

Leave a Reply