ĐỐI THOẠI

ĐỐI THOẠI

Dom. Long

Mấy hôm nay ở nước ta nóng lên chuyện tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Tranh chấp lớn đến nỗi người dân nơi đây đã dám bắt nhốt hơn 38 cán bộ lẫn công an khi đến đàn áp. Vụ Đồng Tâm đã khắc họa những mâu thuẫn lâu nay giữa chính quyền và người dân về một trong những quyền cơ bản đó là quyền sở hữu đất đai. Tức nước thì phải vỡ bờ nhưng vụ này đã có thể không xảy ra nếu công an và quân đội không cưỡng chế đất của dân một cách không minh bạch. Phải chi bấy lâu nay chính quyền biết lắng nghe ý kiến của dân và ông chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung biết đến gặp gỡ và đối thoại với dân sớm hơn. Đối thoại thay vì đối đầu, biết giải quyết mâu thuẫn thông qua đàm phán thay vì bạo lực.
Rồi tình hinh quốc tế cũng đang căng thẳng. Tại bán đảo Triều Tiên, bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cùng với những nghị quyết lên án, Triều Tiên vẫn liên tục cho thử bom hạt nhân cũng như cố chế ra loại hỏa tiễn tầm xa có khả năng vươn tới Mỹ. Đầu tháng Tư, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ ra lệnh cho Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương phải lên kế hoạch đối phó với Triều Tiên, chuẩn bị cho khả năng Tổng Thống Donald Trump ra lệnh tấn công. Rồi cụm tàu sân bay chiến đấu USS Carl Vinson cũng trực chỉ đất Triều Tiên mà tiến sau khi ông Trump bất ngờ ra lệnh tấn công Syria bằng tên lửa Tomahawk. Người ta đồn rằng ban lãnh đạo Triều Tiên và các sơ sở hạt nhân của nước này sẽ là mục tiêu tiếp theo của tên lửa Mỹ. Nhưng cho tới giờ phút này, cũng may cuộc chiến tranh đó chưa xảy ra. Người ta đã ghi nhận nhiều cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo hai cường quốc thế giới là Tổng Thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người có ảnh hưởng lớn tới chủ tịch Kim Jong Un. Vẫn phải nhờ tới đối thoại, nhưng liệu thế giới có kiên nhẫn được mãi với các chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng hay không khi mà nhà lành đạo Triều Tiên Kim Jong Un chưa cho thấy một dấu hiệu hạ nhiệt nào để đối thoại !
Chúng ta còn nhớ câu chuyện “khủng hoảng tên lửa Cuba” vào năm 1962, khi Kennedy đang làm Tổng Thống Hoa Kỳ. Đây là vụ đối đầu quan trọng nhất giữa Mỹ và Liên Xô thời chiến tranh lạnh và cũng là vụ xung đột có thể dẫn nhân loại tới chiến tranh hạt nhân, tới thế chiến thứ ba. Lúc đó ngoài mặt cả Xô Viết lẫn Hoa Kỳ đều tỏ ra không nhân nhượng trước những đòi hỏi của nhau. Nhưng tại các cuộc tiếp xúc bí mật sau hậu trường họ đã cùng nhau chấp nhận một giải pháp cho cuộc khủng hoảng và thế là cũng nhờ đối thoại mà con người đã tháo dỡ được ngòi nổ hạt nhân và thế chiến.
Gần đây nhất tôi nghe câu chuyện có thật xảy ra trong cuộc sống đời thường. Một anh bạn (nhân vật chính của câu chuyện) kể lại: “Trong một chuyến công tác cùng đi trên máy bay, ngồi gần một vị khách nam (sau này mới biết đó là một vị Giám Mục) vị này chủ động gợi chuyện hỏi thăm anh ta rất chân tình niềm nở. Nhờ vậy mà anh ta cũng đã trải lòng rất nhiều, từ chuyện vui đến chuyện buồn, từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Rồi anh đã nhận được rất nhiều những lời động viên, an ủi, có cảm giác giống như của một người cha đang tâm sự với con mình. Rồi phần thưởng bất ngờ mà anh ta nhận được qua cuộc đối thoại ngắn ngủi đó chính là việc anh ta được ơn Chúa đã trở lại đạo công giáo và hiện giờ là một tín hữu rất ngoan đạo trong giáo hội.
Nhưng đối thoại là gì? Ngay từ xa xưa, đối thoại đã được sử dụng để truyền đạt một sứ điệp, một chân lý. Rất nhiều kinh sách của các tôn giáo là những cuộc đối thoại giữa Thượng Đế với các Thiên Sứ, Ngôn Sứ. Ngày nay đối thoại đã trở thành biểu hiện tích cực của mọi con người, mọi thành phần, mọi thời đại.
Đối thoại là ngỏ lời, là nói với và nói cùng người khác. Điều đó không có nghĩa là nói bằng bất cứ kiểu nào nhưng là nói trong tinh thần liên kết với tha nhân. Nói để thể hiện tình bằng hữu, để cảm thông, để hiểu biết và cùng nhau xây dựng tình liên đới.
Tuy nhiên, ngôn ngữ cũng có những giới hạn của nó, làm sao để hiểu được nhau mới là điều quan trọng. Sự thất bại trong đối thoại, chính là muốn nắn đúc người khác theo quan niệm và khuôn khổ của mình. Ai càng phù hợp với khuôn khổ của mình thì càng tốt. Ai càng ít phù hợp thì càng xấu. Ai càng giống mình thì càng hay. Ai càng khác mình thì càng dở. Nhận thức chủ quan này đã dẫn ta từ sai lầm này đến sai lầm khác và là mầm mống của những kiêu căng, thống trị, độc tài.
Trong thần thoại Hy Lạp có câu chuyện chiếc giường Procuste: ai nằm vừa vặn với chiếc giường thì Procuste thả cho đi. Ai dài hơn anh ta chặt bớt. Ai ngắn quá anh ta kéo ra cho bằng chiếc giường. Đó là một tai họa vẫn thường xảy ra trong lịch sử nhân loại khi người bắt người phải theo ý mình. Không những trong lĩnh vực xã hội chính trị, giáo dục mà còn cả trong lĩnh vực tôn giáo. Trong các cộng đoàn Tu Trì!
Như vậy, những ai có tinh thần cởi mở và cầu tiến đều ưa chuộng đối thoại. Đối thoại như nhịp cầu nối liền giữa những nỗi niềm, khúc mắc, ưu tư, nguyện vọng… là tiếng nói của trái tim gởi đến trái tim “Cor ad cor loquitur”. Chính từ đó, mọi hiểu lầm, nghi kỵ chống báng, hận thù, chia rẻ… được tẩy xóa để làm nên một tương quan mới và chỉ lúc đó hòa bình, an vui mới xuất hiện trong tinh thần đối thoại.
Chính trong chiều hướng đó mà ngày 5-2-1986 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II chia sẻ như sau với những vị lãnh đạo các tôn giáo ngoài Kito tại Madras Ấn Độ: “Qua đối thoại chúng ta để cho Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta, vì chúng ta mở lòng ra đối thoại với nhau thế nào thì chúng ta cũng mở lòng ra với Thiên Chúa như vậy”.

Mùa phục sinh 2017
Dom. Long

Leave a Reply