GIUSE NGƯỜI A-RI-MA-THÊ
GIUSE NGƯỜI A-RI-MA-THÊ
Lm.Võ Tá Chân
Trong nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh, ai cũng biết Bài Thương Khó nói về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Nhưng đoạn kết của Bài Thương Khó lại nói đến một hình ảnh khác: Ông Giuse, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Chúa Giêsu xuống. Ông Giuse này là một môn đệ theo Chúa Giêsu nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó (Ga 19, 38 – 42). Rồi trong sách Tông Đồ Công Vụ nói đến việc chọn người thay thế cho Giuđa: Trong những ngày ấy, ông Phê-rô đứng lên giữa các anh em – có khoảng một trăm hai mươi người đang họp mặt … Họ rút thăm, thăm trúng ông Mát-thi-a: ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ (Cv 1, 15 – 26). Ai cũng nghĩ rằng, Giuse sẽ là người được chọn để thay thế cho Giuđa, nhưng người được chọn lại là ông Matthia.
Với con mắt người đời, cho rằng ông Giuse là người thất bại vì không được chọn làm Tông Đồ. Có lẽ, ngày hôm nay một số người cũng nhìn những anh em tu xuất, cựu chủng sinh, tu sĩ dưới một góc độ nào đó và cho rằng họ là những người thất bại trên con đường dấn thân. Nhưng hãy nhìn kỹ lại trong Tin Mừng Gioan thì việc táng xác Chúa Giêsu không thấy các Tông Đồ, mà chỉ thấy ông Giuse. Đây cũng là dịp mà mọi người điều chỉnh lại cách nhìn của mình đối với những người anh chị em thân thương của chúng ta.
Có nhiều người lầm tưởng rằng những người đi tu làm Linh mục, Tu sĩ là những con người thành công trên con đường tu trì. Làm Linh mục, Tu sĩ là thành công làm quan ngồi chơi sơi nước hay sao? Còn những người không được chọn làm Linh mục, Tu sĩ thì thất bại hay sao? Họ không làm được gì hay sao? Chúa Giêsu đã nói: “ Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít ” (Mt 22,14).
Nhìn lại trong thực tế, những anh chị cựu chủng sinh, tu sĩ để lại cho Giáo Hội và xã hội nét sinh hoạt rất phong phú. Nơi môi trường Giáo xứ thì anh chị em tích cực tham gia công tác Tông đồ giáo dân, cộng tác với các chủ chăn để xây dựng cộng đoàn. Bầu khí sinh hoạt của cựu chủng sinh, tu sĩ để lại cho các thế hệ tương lai là: sự liên kết với nhau, không cần phải biết anh, chị tu học ở đâu, nhưng bây giờ mình là anh chị em với nhau. Thánh Vịnh 133: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1). Đây là điều mà mọi người cần phải học hỏi để lưu tâm với nhau để tạo nên sự thân thương, nâng đỡ lẫn nhau. Chủng viện, dòng tu, cha giáo, chủng sinh, tu sĩ là nơi không thể quên trong ký ức của những người cựu chủng sinh, tu sĩ. Vì đó là những kỷ niệm tuyệt vời để chia sẻ, cảm thông, nhớ nhung để yêu thương.
Với môi trường xã hội, thì những gia đình cựu chủng sinh, tu sĩ có phong cách sinh hoạt vẫn trổi vượt hơn những gia đình bình thường, một chiều hướng đi lên trên con đường thánh thiện. Trong công việc, thì luôn tạo cho người khác sự tin tưởng. Sống giữa thế gian, vẫn luôn mang hình ảnh của Thầy Chí Thánh. Vẫn khó khăn, nhưng luôn nổ lực vươn lên. Vẫn vất vả, nhưng luôn bình an vì cảm nhận rằng Thầy Chí Thánh vẫn đồng hành với mình trên vạn nẻo đường.
Nhìn chung lại, những sinh hoạt của cựu chủng sinh, tu sĩ vẫn để lại cho tôi điều mà tôi mong ước cho các hoạt động sinh hoạt khác của các Hội đoàn là sự lưu tâm, vui vẻ, ở xa hay ở gần, là thế hệ trước hay thế hệ sau mỗi khi gặp nhau thì chúng ta là anh chị em thân thương với nhau.
Từ đây, tôi mong rằng những gì anh chị em cựu chủng sinh, tu sĩ đã sống và đã làm, thì mọi người nên có cái nhìn hấp dẫn hơn, quý trọng hơn, yêu thương hơn. Còn anh chị em cựu chủng sinh, tu sĩ đừng bao giờ thất vọng có cảm nghĩ mình là con người thất bại trên con đường dấn thân. Hãy nhìn vào Giuse người A-ri-ma-thê và nói rằng: chúng tôi cũng được chọn để làm những công việc mà khi xưa Chúa đã để cho Giuse người A-ri-ma-thê làm. Chúc tất cả anh chị em cựu chủng sinh, tu sĩ vui luôn trong Chúa Phục Sinh. Để kết thúc, tôi xin kể mẫu chuyện vui này cảm nhận niềm vui trong cuộc đời:
Cha linh hướng kiên trì, khuyên năm lần bảy lượt, mà ông thầy cứ nhất quyết xin ra khỏi chủng viện cho bằng được. Đành vậy, thôi thì cha con từ giã nhau vậy.
Ít lâu sau gặp lại, thấy mặt người học trò cũ, mặt buồn so, cha linh hướng bèn an ủi:
– Thôi con, ơn gọi nào cũng cao quý. Ơn gọi đi tu hay lập gia đình đều có ý nghĩa lớn lao. Bây giờ, gạo đã nấu thành cơm rồi, con có hối hận thì cũng không thể trở lại con đường trước kia được…con phải có trách nhiệm với gia đình riêng của mình.
– Thưa cha- người học trò buồn rầu trả lời – con hối hận là vì trước kia nếu con biết rõ được như thế nầy thì con đã xin xuất tu sớm hơn..
– Cha linh hướng: ?!?!?
Tuy Hòa, ngày 14 tháng 04 năm 2016
Linh mục: Gioan Baotixita Võ Tá Chân
Recent Comments