MÓN NGON CHỦNG VIỆN
MÓN NGON CHỦNG VIỆN
Cát Giang
Với những kẻ đang sống nơi đất khách quê người, mỗi khi nhớ về quê hương thì chẳng những họ nhớ mẹ nhớ cha, nhớ cửa nhớ nhà, nhớ tiếng võng kẽo kẹt bên hè, nhớ giọng ru hời khi chiều xuống, mà họ còn nhớ cả cái ngọt bùi trong từng món ăn. Họ nhớ hương thơm bốc lên từ nồi cá đồng kho lá nghệ, nhớ vị ngai ngái vại cà muối, nhớ cái ngon ngọt tô bún bò… Họ còn nhớ cả vị cay của rau húng quế, nhớ cái màu đỏ trắng dĩa lòng heo, rồi đến cái cảm giác mềm dịu của từng miếng bánh tráng nhúng mà họ cũng chẳng quên … Ôi, chỉ là cái sự ăn thôi mà sao lại khiến con người ta phải nao lòng đến vậy ! Thế nên mới có câu :
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Anh nhớ cái hũ mắm tôm
Nhớ mắm bồ hóc, nhớ mắm cá cơm, anh thương mắm cá ồ.
Vâng ! cái sự thương nhớ các món ăn này nó da diết, nó ác liệt, nó thôi thúc bụng dạ ta chẳng thua bất cứ sự nhớ nhung nào ở trên cõi đời này. Nỗi nhớ món ăn ấy nhiều lúc còn khiến con người ta dù phải bước qua ranh giới của luật pháp mà họ cũng chả ngán.
Từng nghe kể rằng, nhiều Việt kiều vì xa quê hương lâu ngày, nhớ món thịt cầy quá đổi nên dù biết phận mình đang ăn nhờ ở đậu nơi đất của bọn Tây, cái bọn lúc nào cũng giương cao ngọn cờ bảo vệ quyền lợi đàn bà trẻ em và các loài gia súc. Bọn chúng từng có nguyên cả một bộ luật nghiêm cấm mọi trò giết hạ cờ tây (chắc là do phạm húy !) Thế mà vì nhớ thịt cầy quá, dân ta bèn liều mạng rũ nhau đóng cửa, tắt đèn, bóp mũi con chó Mỹ chết không kịp ngáp. Xong xuôi họ mới nhẹ nhàng dao thớt củi lửa pha chế nó ra thành mấy dĩa thịt luộc mỡ màng, thành dăm tô rựa mận vàng óng. Rồi trịnh trọng họ bưng tất cả lên nhà trên, nhẹ nhàng đặt chúng xuống một cái mâm i nốc sáng chưng, trên đó đã bày biện sẵn nào là riềng sả lá mơ đậu phụ, nào là mắm tôm ớt tỏi chanh đường thơm phưng phức. Cái bọn dân bản xứ đi ngang qua, nghe thấy có mùi lạ bay trong không khí bèn đồng loạt hình mũi lên ngửi rồi cất tiếng mà rằng : Thịt con gì mà thơm thơm thế — Xin thưa rằng thịt con dê xồm chứ thịt cái con chi …
Một khi con người sống trên cõi đời này đã để cho mùi vị của một món ăn nào đó thấm vào máu mình rồi thì cho dù có chui xuống lỗ thì cái mùi ấy cũng tìm theo mà bám. Điều này ai chẳng biết, vậy mà không hiểu tại sao trong giới tu trì, những kẻ từng ăn cơm nhà Chúa tới mòn cả răng, đã uống nước nhà trường tới cạn cả giếng, nhưng hễ mỗi lần bên nhau nhắc lại chuyện xưa, ta chỉ được nghe họ kể toàn là chuyện học hành thi cử, chuyện kinh bổn hát hò, hay nhiều lắm là các trò chọc trời phá nước một thuở, chứ chẳng mấy khi được nghe nói về những món ăn mà họ đã từng… Chẳng lẽ khi đã đặt chân vô chốn tu hành rồi thì con người ta không còn cần gì đến ăn uống nữa mà ngày hai bữa chỉ còn mỗi một việc là ngữa mặt lên trời, hình hai cái lỗ mũi ra mà hít không khí để sống hay sao.
Vòng tay kính cẩn xin thưa : không phải vậy, nhà tu cũng cần ăn uống như thiên hạ, nếu không hơn thì thôi chứ chẳng bao giờ họ chịu thua.
Họ vẫn ba lần một ngày, đều như gõ mõ, bước chân vào nhà cơm. Bảy ngày một tuần đều như chấm công thăm nơi ăn uống. Ba mươi ngày một tháng đều như trăng tròn trăng khuyết, bữa nào cũng ăn. Quanh năm, nếu họ có chay tịnh gì chăng thì cũng chỉ chay tịnh hai ngày đúng theo luật hội thánh dạy. Không hơn.
Vậy thì vì lý do gì mà chuyện ăn uống lại vắng bóng nhỉ. Việc này có thể là do cái tư tưởng hãm mình hy sinh đã lậm vào máu, cũng có thể do “miếng ăn là miếng tồi tàn” nên đã là người đàng hoàng thì đừng nên nhắc tới, hoặc biết đâu là vì với họ trong chủng viện chả có món gì ngon… Vì cái gì nhỉ ? không thế nào giải thích cho tường tận.
Nhưng chả cần phải đi tu, hễ đã là người công giáo thì ai mà chẳng biết câu kinh thánh : Người ta sống không nguyên bởi bánh mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Trong câu đó, đương nhiên phần bánh trái chính là cái phần “ắt có”, còn phần lời Chúa là phần “ắt đủ”. Nếu phần “ắt có” không có thì chẳng một ai có thể tồn tại để sống cho trọn vẹn cái phần “ắt đủ” còn lại kia. Có thực mới vực được đạo và dĩ thực vi tiên cũng là thế.
Thú thật vào thuở ấy lũ tôi mong giờ cơm chẳng khác nào lũ trẻ con mong mẹ đi chợ về. Trong trường chả có âm thanh nào làm lỗ tai ta thích thú hơn là tiếng chuông báo giờ cơm. Chuông chưa dứt mà hàng lối đã đâu vào đó, đã khoan thai nối đuôi nhau tiến vào nhà ăn với tấm lòng dong cờ mở hội.
Đều như gõ mõ, mỗi bàn bốn mâm, mỗi mâm bốn dĩa, bốn nĩa, bốn muỗng, một hũ nước mắm cùng với một nồi cơm đầy. Cơ bản của chuyện cơm nước là thế.
Về phần món ăn thì sáng nào như sáng nấy, đều như gõ mõ, duy nhất dọn ra giữa bàn một dĩa trứng tráng hoặc một dĩa đậu phụng rang hoặc một dĩa củ đậu xào mỡ.
Buổi trưa, cũng đều như vắt chanh là ba cà mèn. Cà mèn trên là rau, giữa là thịt cá hoặc chiên xào, còn cà mèn dưới là canh rau muống hoặc canh cải nấu tôm.
Buổi chiều cũng đều như bắp hột, nhà bếp dọn lên mỗi mâm hai cà mèn, một kho một canh.
Mâm nào hết cơm muốn xin thêm thì cứ tự nhiên cầm cái nồi nhôm đưa lên cao sẽ có người (một thuở là ông Mơ xừ) tới xúc cho. Muốn xin thêm cơm thì bao nhiêu cũng có nhưng muốn xin thêm thức ăn, dù chỉ một chút cũng xin đừng. Phải biết liệu cơm gắp mắm, ai không biết liệu cơm, một khi đã hết đồ ăn thì cứ việc chan mắm mà húp cơm.
Thực đơn chủng viện tuy thực đơn giản nhưng dinh dưỡng đã được nghiên cứu nên bất cứ chú nào mau ăn thì bảo đảm chú ấy đều chóng lớn. Trong trường chưa từng nghe ai phàn nàn rằng vì nhà bếp cho ăn thiếu chất hoặc vì đồ ăn mất vệ sinh mà phát sinh tật nọ bệnh kia.
Tới đây chắc sẽ có người hỏi vậy đâu là món ngon chủng viện. Xin thưa học phí mà các chủng sinh đóng chỉ đủ trang trãi một phần, chi tiêu trong trường phần lớn nhờ vào lòng hảo tâm của các hội viên hội Phaolô Châu và nhờ tòa thánh giúp cho nên :
– Chủng viện mong các chú không để cho đầu óc mình lúc nào cũng chỉ tơ tưởng tới các món cao lương mỹ vị, cũng đừng đòi hỏi nhà trường bữa nào cũng phải dọn lên toàn những chả phụng với nem công. Các chú hãy nhớ dùm một điều là con người ta ăn để sống chứ không phải sống để ăn.
Ái chà chà ! Cái câu “ăn sống sống ăn” này sao lỗ tai mình nghe quen quá là quen. Hình như nó vẫn thường xuyên được ai đó nhắc đi nhắc lại khiến bụng dạ lũ tôi nhập tâm. Thằng nào cũng có thể xổ nó ra bằng tiếng tây nhanh như gió : Manger pour vivre et non pas vivre pour manger.
Nói vậy thôi chứ dù “vi cá yến sào đôi lúc khó khăn nhưng bún mắm thì thời nào chẳng có”. Món ngon chủng viện cũng vậy, dù khó khăn nhưng vẫn khối. Chẳng còn được ăn những món ngon của mẹ già thì đã có bao món ngon của bà soeur.
Buổi trưa là ngon nhất, nó hoành tráng với bộ cà mèn chất cao ba tầng. Kinh kệ xong xuôi, một thằng trong bọn liền đưa cả hai tay bưng cái cà mèn trên cùng ra vừa cất giọng hô : Khui ! Thịt bay ơi ! Khui tiếp. Canh tôm bí đỏ ! Được ! Ôi, cái trò “khui” này dù diễn đi diễn lại mà vẫn cứ thấy vui. Nếu được hỗ trợ thêm chút cá độ thì vui kia lại càng thêm vui nữa mà chớ.
Tuy đơn sơ nhưng cái món rau muống sống để nguyên cây lá ăn với mắm cái nguyên con dọn trong những trưa hè nóng bức đúng là ngon. Và cũng thật là ngon cái món cá thu muối mặn ăn với cơm nóng vào những chiều gió bấc mưa lâm râm. Cũng xiết bao khoái khẩu cái món thịt heo có lớp mỡ trắng dày xắt thành từng khúc to cỡ nữa nắm tay kho với măng tươi, thứ nước kho lạt ấy mà chan với cơm thì ăn tới cành hông cũng chả ngán.
Thưở đó, tất cả các món ăn nhà bếp dọn lên ai chê khen gì mặc kệ nhưng với tôi, chẳng hiểu sao món gì tôi cũng thấy ngon, kể cả món canh rau muống nấu với cá cơm mà lắm thằng hễ cứ nhìn thấy là lắc đầu le lưỡi.
Nhưng nói về chuyện ăn uống thuở ấy mà không nhắc tới đồ hộp Mỹ thì coi như vẫn chưa biết gì. Từ 1964 tới 1974 là những năm cao điểm chiến tranh, lợi dụng cơ hội ấy, đồ hộp “đế quốc” bèn ồ ạt đổ bộ vào VN ta nhiều như quân Nguyên, chất cao hơn núi Thái.
Trong con mắt lũ tôi, tuyệt đỉnh đồ hộp của Mỹ là món xúc xích (còn có tục danh là cu mỹ). Thứ cu mỹ này đem chiên bơ rồi ăn với khoai lang đỏ Buôn Mê Thuột xắt mỏng chiên dòn thì còn gì thú bằng. Tiếp đến là món bột trứng vịt Mỹ màu vàng tươi đem chưng cho đông lại nhìn cứ y như là bột bắp hấp, cứ ghé lỗ mũi xuống sát cà mèn mà ngửi bạn sẽ thấy nó có một mùi thơm rất đặc trưng. Món này mà đem nước mắm Bình Định chan vào để nhử cơm thì vô đối. Ngoài ra còn món dầu ô liu ngoại trộn xà lách nội, món rau luộc quẹt patê gan ăn cũng bá cháy…
Ôi, trong nghệ thuật ẩm thực nếu con người ta biết chắt lọc những cái tinh hoa của bọn tây, cho nó hội nhập vào với cái ngon của bọn ta như các bà soeur phụ trách bếp núc chủng viện ngày xưa từng làm, thì khi ấy những nhà phê bình chả còn biết lấy gì để mà khen mà chê nữa.
Vài dòng đơn sơ về các món ngon chủng viện, nếu dùng hình tượng để ví von thì có thể nói mấy câu chuyện ta vừa kể trên chẳng khác nào cục cơm nóng mới nuốt tới cầng cổ, vẫn còn đó nguyên cả một cái bao tử cùng với mấy khúc ruột già chưa hề đụng tới. Rất muốn bàn tiếp cho tới nơi tới chốn nhưng khả năng là không thể. Xin được dừng.
Cát Giang.
Recent Comments