Gói hành trang duy nhất.

GÓI HÀNH TRANG DUY NHẤT

(Chúa Nhật 2 MC Năm C 2019)

Như một lời mời gọi truyền thống, sứ điệp Phụng vụ Chúa Nhật II Mùa Chay hôm nay đốc thúc chúng ta và các anh chị em Dự tòng lên đường tiến vào Mầu nhiệm Vượt Qua bằng những nỗ lực cụ thể hơn trong hy sinh và từ bỏ, trong sám hối và đổi đời. Đó chính là “tiếng gọi của Lời Chúa hãy “lên cao” như Đức Kitô đưa các Tông đồ lên đĩnh núi Ta-bo để Ngài biến hình rạng rỡ (TM), hãy “đi xa” như tổ phụ Áp-ra-ham bỏ quê cha đất tổ để theo tiếng gọi vô hình mà đón nhận lời giao ước của Gia-Vê (Bđ 1).

Cuộc hành trình Mùa Chay hôm nay của Dân Chúa hay cuộc hành trình đức tin của mỗi người chúng ta, phải chăng cũng chính là cuộc nỗ lực phấn đấu để mỗi ngày “lên cao và đi xa” trước Lời Chúa vẫy gọi, trước những đòi hỏi của Tin Mừng, trước những thách đố của Thập giá.

Cuộc hành trình nào, vật lý hay tâm linh, đều đòi hỏi phải lột xác, phải trả giá. Tuy nhiên, người Kitô hữu nắm chắc đích điểm của của mình chính là quê trời, là điểm hẹn gặp gỡ với Đức Kitô, như cách cảm nhận của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Philip (Bđ 2) : “Quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó, chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta”.

Chúng ta thử dừng lại để đào sâu thêm những nội dung nầy.

Trước hết, khi nêu bật hai nhân vật cùng gắn liền với hình ảnh của chuyển động, ra đi, bức phá :  

– Abraham lên đường đi khỏi thành Ur để đón nhận giao ước của Giavê (BĐ 1) ;  

– Đức Kitô lên núi Tabor rồi biến đổi hình dạng nên rực rỡ sáng ngời (Trình thuật biến hình của Tin Mừng Luca),

sứ điệp Lời Chúa hôm nay chắc chắn muốn đưa chúng ta vào chính trọng tâm ý nghĩa đầy năng động của hành trình Mùa Chay.

Hình ảnh Chúa đưa cụ Tổ Áp-ra-ham “nhìn lên bầu trời đầy sao” để rồi nói với ông rằng : “Ta sẽ dẫn dắt ngươi ra khỏi thành Ur của dân Calđê, để ban cho ngươi xứ sở nầy làm gia nghiệp…”, là một dấu chỉ sống động cho mọi ơn gọi trong Dân Chúa : ơn gọi ra đi của niềm tin và vì niềm tin, như chính lời sách Sáng Thế xác định : “Abraham tin vào Thiên Chúa, và vì đó ông được công chính.

Dấu chỉ nầy, lời réo gọi nầy, có lẽ đang vang vọng cách sâu xa và mãnh liệt nơi tâm hồn của những anh chị em Dự tòng, những kẻ đã được Thiên Chúa kêu gọi vào niềm tin vào Ngài và sắp sửa chính thức nói lên cách trang trọng và dứt khoát “TIN và TỪ BỎ”trong cử hành Bí tích Nhập Đạo đêm Vọng Phục Sinh.

Vâng. Đối với những người đã từng gắn bó với một “thành UR” nào đó của tín ngưỡng cũ, của niềm tin ngoại đạo trước đây, của thói tục xa lạ với Tin Mừng, thì việc “bước vào một đức tin mới”, tin thờ một Thiên Chúa, một Đức Kitô hoàn toàn mới mẻ, và gia nhập vào một cộng đoàn Giáo Hội Công Giáo bao gồm những anh chị em xa lạ…không là một cuộc “đi xa, bức phá” của một Abraham lên đường theo tiếng gọi đó sao ?

Và chắc chắn, họ cũng sẽ trải qua những kinh nghiệm trăn trở, ưu tư của các Thánh Tông Đồ trong những ngày gặp gỡ Đức Kitô : Rồi niềm tin nầy sẽ dẫn mình đi đâu, tới đâu ? Sẽ mang lại điều gì giá trị hơn, hay ho hơn chăng ? (Mc 10,28-30). Chẳng lẽ rồi tất cả sẽ dẫn tới một đích điểm “tối om”, buồn rực… như chính Thầy Giêsu đã từng tiên báo không phải một mà nhiều lần : “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống dậy.” (Mc 8,31; 9,31;10,33).

Không. Để củng cố niềm tin và trả lời dứt khoát cho những môn đệ ngày xưa, hay để nói cho muôn thế hệ Kitô hữu muôn nơi muôn thuở, và cho riêng các anh chị em dự tòng hôm nay biết rằng : ở cuối đường thập giá là Phục sinh, tiêu đích của con đường Kitô, của sự chọn lựa niềm tin vào Đức Kitô, chính là chiến thắng vinh quang, là rạng ngời vinh hiển của phận người, là cuộc “Biến hình, lột xác” của cái tôi xác thịt nặng nề tội lỗi để trở nên “một con người mới” trong vương quốc rạng ngời thánh thiện của Thiên Chúa !

Thật vậy, biến cố “Biến Hình” không là một sự kiện “ngẫu hứng” trên con đường đi về Giêrusalem của Chúa Giêsu, mà là một mạc khải quan trọng soi chiếu vào con đường dài lịch sử cứu độ; nhất là làm rực sáng lên như một hậu cảnh nền, một “focus” của huyền nhiệm thập giá. Bởi vì, xuyên qua “sự kiện Biến Hình”, chúng ta có thể thấy một sự đối xứng :

– Bên kia “Đồi Sọ” của thương đau khổ nạn, đã vươn lên “Núi Ta-bo” của rạng ngời Phục sinh.

– Đằng sau một Giêsu Nadarét tội nhân xác thân trần truồng, rách nát, chết tủi nhục thương đau trên thập giá, là một Đức Kitô vinh hiển rạng ngời.

Và cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu “biến hình” với hai người : hai nhân vật  tượng trưng cho hai truyền thống vĩ đại và nền tảng của Cựu ước : Môsê (Lề Luật), Êlia (Ngôn Sứ), lại xoay quanh câu chuyện cái chết (hay cuộc ra đi) của Người tại Giêrusalem”. Chi tiết nầy càng củng cố thêm :

– Trong cuộc “xuất hành” thời Môsê, bên nầy Biển Đỏ với sa mạc chết chóc và nô lệ đoạ đầy, đã thấp thoáng bến bờ “Đất Hứa”;

– Trong cuộc lưu đày thời các Ngôn sứ, đã sáng lên niềm hy vọng “trở về và tái thiết Sa-lem”.

Từ hai nhân vật và những dữ kiện tiên trưng của mạc khải Cựu Ước đó đã dẫn tới đích điểm của cuộc hành trình Vượt Quacủa Đức Kitô mà cuộc “Biến Hình” của Ngài là một du chỉ rõ nét : trong bóng đen của cái chết và thương đau cuối đường thập giá, đã bừng lên ánh sáng rạng ngời của Phục Sinh.

Như vậy, dưới ánh sáng của các “diễn trình” Lời Chúa vừa được công bố đó, chúng ta một lần nữa lắng nghe lời mời gọi tha thiết của Mùa Chay đó là : định hướng lại nhịp sống đức tin có thể đang trên đà sai lệch, và làm mới lại những thực hành sống đạo có nguy cơ đang ngủ vùi trong trạng thái cũ mòn xơ cứng. Đó là cuộc gọi mời không ngừng biết vươn cao và đi xa.

Vươn cao để lột xác, “biến hình” khỏi “cuộc sống tà tà ở dưới thấp” với những nếp nghĩ và cách hành xử tầm thường, cục bộ, ích kỷ, bon chen, ganh tị, tham lam…hầu trở nên một con người mới : khó nghèo, khiêm hạ, phục vụ, yêu thương…

đi xa khỏi “cái tôi ao tù vẩn đục” với trái tim và con mắt chật hẹp, méo mó, xoi mói, giận hờn, thù oán, kiêu căng…để nhìn thế giới và anh em đồng loại bằng đôi mắt mới của tình huynh đệ, hiệp nhất, của mối tương quan thân ái dịu dàng…

Nếu đặt cuộc sống và sự chọn lựa đức tin trong viễn tượng cuộc “ra đi giã từ quê hương cũ của Abrahamsự lên núi cao để biến hình của Đức Kitô như sứ điệp Lời Chúa hôm nay minh hoạ, thì mỗi người Kitô hữu, đặc biệt, mỗi anh chị em dự tòng, không chỉ trong Mùa Chay nầy, mà xuyên suốt cuộc đời, đều có những cuộc “ra đi” và “lên cao”, những cuộc hành trình của riêng mình.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy dẫy những “vấp phạm”, những lực kéo và cám dỗ con người quay lưng lại với những giá trị đạo đức thanh cao để ươn hèn trụ lại trong vũng lầy của dục vọng, một thế giới hùa nhau chống lại Hội Thánh Chúa Kitô, và loại bỏ những giá trị của Tin Mừng bằng nhiều phương thế hiện đại để tự tung tự tác…; một thế giới mà Thánh Phaolô đã từng trải nghiệm nơi cộng đoàn Philipphê : “có những người sống thù nghịch với thập giá Đức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng…” (Bđ 2).

Và vì thế, lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô luôn mãi vẫn hợp thời : “Hãy vững vàng trong Chúa” và luôn đặt niềm trông cậy vững vàng vào cuộc gặp gỡ cuối cùng nơi quê hương Nước Trời “ở đó có Đức Giêsu Kitô, Đấng sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống thân xác hiển vinh của Người”. (Bđ 2).

Tóm lại, trong khi cộng đoàn đang nỗ lực tiến bước trên con đường Mùa Chay với khổ chế và sẻ chia, của nguyện cầu và chiến đấu…, các anh chị em dự tòng đang khẩn trương dọn mình để hội nhập vào “Dòng nước tái sinh” và tràn ngập “ngọn lửa Thánh Thần”, thì cuộc “lên đường của Abraham”, nhất là sự Biến hình của Đức Kitô, chính là một lời nhắn gởi, động viên tất cả cùng vươn cao đi tới “chân trời Cứu độ”, tới “Bàn tiệc Nước Trời” trong tin yêu và hy vọng, trong nỗ lực chiến đấu và chiến thắng.

Cuộc “xuất hành tâm linh” nầy luôn đòi hỏi nhiều “từ bỏ, hy sinh, bứt phá…”; tuy nhiên, hãy vững tin rằng : cho dù có những lúc phải đối diện với gian nan thử thách, với cay đắng hy sinh hay đêm tối thập giá… thì Chúa vẫn hiện diện ngay bên khi ta ngước mắt kêu cầu, để “phục sinh” tất cả trong rạng ngời ân sủng hôm nay và trong hạnh phúc viên mãn của Nước Trời mai hậu.

Đơn giản hơn, cứ tạm cho cuộc hành trình Mùa Chay như một “cuộc leo núi dã ngoại” đi, thì ta vẫn cứ phải lắng nghe “cái đập vai của Chúa”, như cảm nhận của thi sĩ Trăng Thập Tự trong bài thơ “LEO NÚI”. Xin trích mấy câu đầu :

Ngài vỗ vai tôi ướm hỏi

Theo Ngài lên tận đỉnh kia chăng?

Ngài rõ lòng tôi, còn phải nói !

Vội vàng tôi xếp gọn hành trang…

Và gói hành trang mà ta phải mang theo và giữ mãi chính là Lời của Chúa Cha trong sự là “Biến Hình” : “hãy vâng nghe Lời Người”.

Giuse Trương Đình Hiền

Leave a Reply