KHÔNG CHỈ THÁNH PHÊRÔ TRẢ LỜI

KHÔNG CHỈ THÁNH PHÊRÔ TRẢ LỜI
(Chúa nhật XXI TN Năm B 2015)
Trương Đình Hiền
________________________________

st peterKhông phải chỉ riêng sứ điệp Phụng Vụ Chúa Nhật hôm nay, mà xuyên suốt cuộc hành trình đức tin luôn đòi hỏi chúng ta cần “làm mới’ lại câu trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu : “PHẦN ANH EM, ANH EM CÓ MUỐN BỎ ĐI KHÔNG ?”
Tại sao lại phải “làm mới”. No hoặc Yes. Dễ ợt mà !
Không dễ đâu ! Trong đời sống, thuộc bất cứ lảnh vực nào, đều có những câu trả lời thật quan trọng, ảnh hưởng trên toàn bộ vận mệnh của cả một tập thể, một dân tộc, một đời người.
– Chỉ một câu trả lời “không” của Nhật Hoàng trước đề nghị đầu hàng vô điều kiện của phe Đồng Minh, hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật bị tiêu hủy bởi hai quả bom nguyên tử của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
– Chỉ một câu trả lời “có” sau câu hỏi của ông Hồ Chí Minh “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không ?”, mà vận mệnh của cả một dân tộc đã đi vào một khúc quanh oan nghiệt !
– Bởi một câu trả lời của con gái bà Herodia : “Con muốn đầu Gioan Tẩy Giả…”, lập tức cuộc đời của nhà đại tiên tri của cựu ước bị xóa sổ !
Biết bao nhiêu câu trả lời “có” hoặc “không” của những quan tòa thất đức, những tòa án bất minh đã mang theo máu chảy đầu rơi, tan gia bại sản cho nhiều người vô tội…
Trên thế giới hôm nay, câu trả lời trong những cuộc thương thuyết chính trị hay trong các cuộc mặc cả với các tên khủng bố cũng rất là quan trọng vì có liên hệ đến sinh mệnh và cuộc sống của rất nhiều người…
Nói đến đây, chợt nghĩ ngay tới sự kiện thời sự đang làm nóng lên trên diễn đàn thế giới đó là bức tối hậu thư của chính quyền Bắc Triều Tiên gởi cho Nam Triều Tiên. Họ buộc Nam Triều Tiên phải dỡ bỏ mọi loa phóng thanh tuyên truyền đặt ngay vùng giới tuyến trước 17 giờ chiều hôm nay (22/8). Nếu không họ sẽ tấn công quân sự. Chúng ta chưa biết Nam Triều Tiên sẽ trả lời thế nào, nhưng xem ra tình hình bán đảo Triều Tiền đang căng thẳng cực độ…
Nêu lên một vài sự kiện đó để chúng ta nhận ra tầm quan trọng của gợi ý Lời Chúa hôm nay qua những câu trả lời của ông Giosuê và cộng đoàn dân Ít-ra-en (Bđ 1), cũng như của Phêrô và các môn đệ của Chúa Giêsu (TM).

Trước hết đó là câu trả lời của tập thể dân Ít-ra-en trước ngưởng cửa tiến vào hứa địa, một câu trả lời đã định hình cho toàn bộ niềm tin của Dân Chúa thời Cựu ước mà vẫn còn giá trị và mô hình mẫu cho tất cả chúng ta hôm nay.
– Bởi vì đó là câu trả lời của những người luôn nhìn thấy bàn tay quan phòng của Thiên Chúa quyền năng trên mọi biến cố cuộc đời cũng như dân tộc : “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác ! Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai cập…”
– Đó là câu trả lời của những người trung thành với chọn lựa niềm tin mà không giá trị nào có thể thay thế được : “Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa”.
Phải chăng niềm tin của “Dân ưu tuyển” chính là hiện thực những câu trả lời đó trong suốt chiều dài lịch sử của họ ; và một cách nào đó, chúng ta có thể nói được rằng, chính nhờ được soi sáng và dẫn dắt bởi những câu trả lời như thế, mà dân Chúa đã sản sinh ra những người con ưu tuyển như Esther, Samuel, Đa vít, Êlia…và sau nầy đó là những gương mặt như Simêon, Giacaria, Elizabet, Giuse, Maria. Và trên hết, chúng ta đừng quên, chính Đấng Cứu Thế đã xuất phát từ dân tộc đã chọn lựa “phụng thờ Đức Chúa”.

Xuyên qua câu trả lời của dân Cựu ước, chúng ta lại thấy sáng lên những câu trả lời của dân Tân ước mà Phêrô chính là một “phát ngôn nhân đại diện” :
– Bỏ ngài thì chúng con biết đến với ai khi cả lũ chúng con đã bị giam hảm trong cảnh đời đuôi mù tăm tối, què quặt thảm thương ?
– Bỏ Ngài thì chúng con đến với ai khi cả bọn chúng con bị vất bỏ trong những hoang mạc dành cho những tên phung cùi mạt hạng ?
– Bỏ Ngài thì chúng con đến với ai khi xã hội đồng thanh loại trừ và lên án chúng con là những tên đỉ điếm, thu thuế tội lỗi nhớp nhơ ?
– Bỏ Ngài thì chúng con biết đến với ai khi chúng con nghèo nàn, thất học, tay lấm chân bùn ?
– Bỏ Ngài thì chúng biết đến cùng ai khi chúng con đói khát tinh thần cũng như vật chất mà không có một cơ cấu hay tổ chức xã hội nào có khả năng đáp ứng cho chúng con ?…

Và suốt 2000 năm nay, có hàng hàng lớp người nhờ “hiện thực hóa câu trả lời của Phêrô “Thầy có lời ban sự sống đời đời”, mà tìm được con đường sống đích thưc, tìm được ý nghĩa cho cuộc đời, tìm được hạnh phúc vĩnh hằng.
Chính vì thế,
– để thế giới hôm nay hòa bình hơn, huynh đệ hơn, chúng con phải chọn Thầy chứ không là ai khác.
– để những giá trị tinh thần được thăng hoa, để hạnh phúc các gia đình được bền vững…chúng con phải chọn Thầy chứ không là ai khác.
– để tình yêu hôn nhân được liên kết và vững bền bằng giao ước thánh, để thiếu nhi được chăm sóc yêu thương và giáo dục…chúng con phải chọn Thầy chứ không là ai khác..
– để người trẻ sống có lý tưởng và can đảm dấn thân xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống, để những người già được yêu thương và kính trọng…chúng con phải chọn Thầy chứ không là ai khác.
– để mọi người nhìn nhận nhau là huynh đệ một nhà, người giàu biết sẻ chia, người nghèo biết khiêm nhu đón nhận, kẻ bịnh hoạn tật nguyền luôn mỉm cười hy vọng được ủi an, người tội lỗi biết mở lòng sám hối để làm lại cuộc đời… chúng con phải chọn Thầy chứ không là ai khác.
Vâng, câu trả lời của Tông đồ Phêrô không chỉ để trả lời một vấn nạn mà là một tuyên xưng niềm tin, một xác tín, một niềm hy vọng ngút ngàn, một tiếng kêu òa vỡ của hạnh phúc và niềm vui khi chợt khám phá ra “Nước Trời đang đến”, ơn cứu độ đã được trao ban, Thiên Chúa đã nhập thể và đang đồng hành cùng nhân loại, Đấng Thánh của Thiên Chúa chấp nhận chia sẻ kiếp phàm nhân tội lỗi đớn hèn…

Tuy nhiên, đó lại là môt câu trả lời kèm theo một đòi hỏi phải dấn thân chọn lựa. Từ khi trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu “Bỏ Thầy con biết đến cùng ai…” cho đến khi thực hiện đến cùng câu trả lời đó bằng hành động, quả thật Phêrô đã phải trải qua bao phen lao đao lận đận, ngả lên ngả xuống… Nhưng cuối cùng Phêrô đã viết lại nguyên vẹn câu trả lời hôm xưa bằng chính chọn lựa nghiêm túc của mình : chịu đóng đinh ngược đầu xuống đất để trung thành trọn vẹn với chính Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng mà Ngài phụng sự, yêu mến và loan báo không mệt mỏi.
Cũng như Phêrô ngày xưa, hôm nay rất nhiều người trong chúng ta có thể trả lời câu hỏi đó của Chúa Giêsu một cách gọn ghẽ, ngon ơ. Tuy nhiên, cũng như Phêrô, sẽ có không ít người đã không ít lần tránh né chọn lựa con đường thập giá, khước từ chọn lựa những đòi hỏi dấn thân anh hùng và gian khổ của Tin Mừng để uốn mình nô lệ cho những yếu đuối và đam mê thế tục.
Một trong nhiều câu trả lời đẹp nhất, khẳng khái nhất, anh hùng nhất mà những trang nhật ký 2000 năm chứng tá đức tin của Hội Thánh đã ghi lại đó chính là câu trả lời của các chứng nhân anh hùng tử đạo. Các Ngài đã quyết khồng “bỏ Chúa”, quyết không đạp qua Thánh Giá, và sẵn sàng cho chọn lựa đó bằng cái giá phải chấp nhận thương đau, bỏ mình…
Phải chăng, cũng chính muốn cho các gia đình Kitô hữu hiện thực hóa câu trả lời của Thánh Phêrô trong đời sống hôn nhân gia đình, mà Phụng Vụ hôm nay đã chọn đọc thư gởi giáo đoàn Êphêsô liên quan đến các bổn phận của vợ chồng (Bđ 2).
Thật vậy, nếu các đôi hôn nhân Kitô hữu đều biết trả lời cho nhau như trả lời cho chính Chúa Giêsu : “Bỏ anh.. bỏ em… (anh, em) biết đến với ai…” thì làm sao xảy ra ly dị, ly thân ; cũng vậy, nếu mỗi gia đình khi gặp phong ba bảo táp, thử thách gian nan, đều quyết tâm trả lời cho Chúa : “Bỏ Chúa chúng con biết đến với ai…” thì giải pháp cuối cùng cho cuộc sống chắc chắn sẽ tốt đẹp biết chừng nào !
Và cuối cùng, câu trả lời của Thánh Phêrô ngày xưa bổng trở thành đầy hiện thực nơi Bàn Tiệc Thánh Thể hôm nay : “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” cũng có nghĩa : “Thầy là mình máu được trao ban cho chúng con được nuôi sống hôm nay và mang mầm vĩnh cửu, Thầy là lời chân lý và tình yêu được sẻ chia để chúng con no đầy sự sống, Thầy là sự tha thứ và giao hòa để mở đường cho chúng trở về với Chúa Cha và với anh chị em…”.
Thì ra, không phải chỉ Thánh Phêrô trả lời mà tất cả chúng ta đều phải lên tiếng. Amen.

Leave a Reply