KHÚC TÂN CA
KHÚC TÂN CA
Dom.Lê Phú Hải
Hết lớp 7, tôi rớt nước mắt từ biệt tiểu chủng viện Qui nhơn để trở về với gia đình. Rất nhanh chóng, ba má tôi quyết định cho tôi học tiếp lớp 8 tại trường Bá Ninh vì hồi tiểu học tôi đã học trường Giuse nghĩa thục, và cả hai trường này đều thuộc quyền điều hành của các frère dòng Lasan, rất có uy tín về lãnh vực giáo dục. Tôi hòa nhập vô trường mới cũng nhanh vì đã có hai năm rèn luyện kỷ luật khắc khe ở tiểu chủng viện.
Trong bối cảnh xã hội loạn lạc và nhiễu nhương ngày đó, má tôi chỉ biết phòng ngừa bằng cách hướng các con vào các hoạt động của nhà thờ. Sáng nào cũng vậy, cứ đúng bốn giờ rưởi là má tôi kêu dậy. Hai mẹ con tắm rửa rồi đi lễ nhà thờ. Tôi ở trong đội giúp lễ nên phải tới sớm để chuẩn bị dụng cụ cho cha xứ cử hành thánh lễ. Việc này thì tôi rất quen thuộc nhờ hai năm học tiểu chủng viện trước đó. Ngày chủ nhật thì sinh hoạt Hùng tâm dũng chí… Thỉnh thoảng tôi cũng tham dự các buổi sinh hoạt giao tiếp với các đoàn thể bạn, đi cắm trại hoặc picnic. Giới hạn di chuyển chỉ tới Lương Sơn ở phía bắc và Suối Dầu ở phía nam, vì đang có chiến tranh…
Một trong nhiều bài hát cộng đồng ngày đó được chúng tôi vỗ tay ca hát là bài “Người yêu tôi bệnh”. “Người yêu” ở đây mang ý nghĩa tượng trưng cho đất nước:
Nắng nóng cháy da đã về rồi trên thân người đẹp tôi
Bão tố buốt xương cũng về rồi cho thêm tàn phai
Nàng nằm đớn đau tháng năm dài muộn phiền
Nàng cầu cứu tôi thoát cơn bệnh đầy vơi
Đã lắm lúc thao thức vì nàng yêu thương sao đành dở dang
Nghĩ đến mắt kia lúc lìa trần vỡ nát trái tim muôn phần
Giờ còn có nhau giúp nhau cho thật nhiều
Ngày nào mất nhau sớt chia chẳng được đâu
Có lẽ trong các nhạc phẩm du ca của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, bài hát này là ngắn nhứt. Cả bài chỉ có hai khổ, mỗi khổ bốn câu. Thành thử chúng tôi thuộc rất lẹ, chẳng bù cho mấy bài kia, nhiều phiên khúc quá nên cứ lẫn lộn lời ca với nhau. Bài hát này có thể đệm đàn ở tông mi thứ hoặc rê thứ tùy theo độ cao thấp của dây đàn. Chúng tôi biết đến ca khúc này vào đầu những năm bảy mươi, khi cuộc chiến tranh đã đến hồi ác liệt. Lúc này phong trào phản chiến nổi lên khắp nơi, từ nước Mỹ lan tới Việt Nam và đi vào các ngóc ngách cuộc sống. Để tóc dài và mặc quần ống “patte” là điển hình cho giai đoạn này. Có người đeo trên ngực vòng tròn, bên trong có hình cháng ba (gần như chữ nhân), là biểu tượng của hòa bình. Đi đâu cũng gặp sách của Phạm Công Thiện và những khẩu hiệu kiểu như “Make love not war”.
Đây là giai đoạn người Mỹ biết mình đã hớ và quyết định hy sinh miền Nam để gở gạc chút danh dự qua cuộc viếng thăm Bắc Kinh của tổng thống Nixon, làm tiền đề cho hiệp định Paris. Ở miền Nam thì “Phong-Trào Chống Tham-Nhũng” được Linh-Mục Trần Hữu Thanh quảng bá bằng các cuộc diễn thuyết khắp nơi. Tôi đã hai lần đạp xe qua Tòa giám mục và dòng Chúa cứu thể Nha Trang để nghe diễn thuyết, lòng cũng sôi sục khí thế đấu tranh, căm ghét các tướng lãnh và nhà cầm quyền miền Nam. Rồi cha Luân ở dòng Phan xi cô vào Sài Gòn để tham gia cùng các cha xuống đường, nằm tuyệt thực trên lề đường Nguyễn Trãi trong vụ Pin Con Ó, tôi cảm phục quá chừng…
Tôi quyết định thôi ngắm nghía các cô bạn gái, tạm nghỉ thơ tình để làm thơ phản chiến. Để dành tiền mua stancil, tôi tới nhà anh Hóa – cùng sinh hoạt trong Hùng tâm dũng chí – mượn cái máy đánh chữ và gõ. Cứ viết được bài nào tôi đánh vào tờ stancil bài đó, trình bày hai cột dọc trên khổ A4, dự định khi nào xong thì sẽ quay roneo ra thành nhiều bản. Công việc còn dang dở thì thời thế đổi thay, tập thơ phản chiến của tôi sẽ chẳng bao giờ có cơ hôi ra đời, mà chẳng hiểu sao tôi cũng chả giữ được tờ stancil nào. Còn nội dung thì tới bây giờ một câu cũng không còn trong trí nhớ. Chắc là thơ dở quá!
Cũng trong giai đoạn này chúng tôi được biết tới bài hát “Tân Ca” của linh mục Tiến Lộc. Bài hát thật sang trọng và quí phái trên nền hợp âm sol trưởng với nhịp ba bốn:
Hỡi con của thanh bình, hỡi con người hoàn vũ,
Người đi đi vào đời, vừa cất bước vừa ca.
Hỡi con của an lành, hỡi con của thế giới,
Người hôm nay lên đường, hãy hát vang mà đi.
Khách đường làm thế đấy cho bớt cơn nhọc nhằn,
Trên đường trường rong ruổi, người hát lên mà đi.
Đến đoạn phiên khúc nốt nhạc trầm xuống:
Tôi van, tôi van nài người, vì đường, vì đường người đi, Người hát, hát lên đi.
Tôi van, tôi van nài người, trên con, trên con đường này.
Hát khúc, hát khúc Tân Ca,
Những người hiện tại đừng hát những gì đã qua.
Chúng tôi đã say sưa cất cao tiếng hát bài Tân Ca bên cạnh những bài du ca khác, dù thiệt lòng chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa bên trong, chỉ biết lờ mờ đây là những điều minh triết. Thích nhứt là đoạn kết với hai bè dị giọng, nhóm nam hát:
Người mới khách đường mới, hát khúc tân ca.
Người mới khách đường mới, hát khúc tâm hoà.
Cùng lúc với nhóm nữ:
Ngươi hát những bài tình ca cho tổ quốc người đi
Đừng hát những bài tình cũ chuyện cũ mà làm chi
Mãi sau này tìm hiểu tôi mới biết bài “Tân Ca” được linh mục Tiến Lộc phổ từ thơ của linh mục Nguyễn Huy Lịch, và linh mục Nguyễn Huy Lịch dịch từ lời của thánh Augustinô, từ thế kỷ thứ IV. Không thể nào hình dung ngôn từ của thế kỷ thứ IV mà trong sáng và sâu xa đến vậy, dù có những chữ tôi chưa hiểu hết (như “khách đường” chẳng hạn).
Chuyện cũng đã qua hơn bốn mươi năm, tôi cũng chuẩn bị trở về già. Không có “vinh hạnh” được tranh đấu trực tiếp trong các phong trào sinh viện học sinh tại các thành phố lớn, tôi chỉ là đứa thiếu niên vừa mới trưởng thành sống tại giáo xứ Vĩnh Phước Nha Trang bé nhỏ. Tôi đã thao thức yêu thương, ghét giận như những con người bình thường. Bây giờ chỉ còn lại trong ký ức một vài bài hát dễ thương và một dáng dấp tôi vừa lớn để rồi sẽ nổi trôi theo dòng đời xuôi ngược…
Dom. Lê Phú Hải
Recent Comments