Lương tâm : Vấn đề của mọi vấn đề.

Lương tâm : Vấn đề của mọi vấn đề.

Lm Bạch Sơn Quỳnh

Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, ngài đã từng nói: “Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.” Hơn thế nữa, câu nói: “Giới Trẻ là tương lai của Giáo hội và nhân loại”. Đó là câu khẳng định nhiều người đã biết. Nhưng đối diện với thực tế thì ai cũng thấy lo lắng cho tương lai ấy của họ. Do đó, lương tâm là một trong vấn đề quan trọng nhất của lãnh vực luân lý. Chúng ta có thể khẳng định, lương tâm ngay chính còn, thì đời sống xã hội và các quan hệ giữa con người vẫn còn tốt đẹp; nhưng khi lương tâm bị bóp nghẹt, cá nhân và xã hội cũng tàn dần theo dòng thời gian. Vấn đề lương tâm không chỉ là thuần túy luân lý mà còn là vấn đề của mọi vấn đề khác.
Trong công tác mục vụ, vấn đề giáo dục lương tâm đang trở thành một thách đố lớn cho Giáo hội và xã hội; bởi vì giới trẻ ngày ngay, trước những trào lưu tục hóa, đang có nguy cơ xa rời luân lý truyền thống, lương tâm dễ bị chôn vùi trong những dửng dưng trước những giá trị tinh thần, bị vùi lắp trong thế giới hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng của cơn lốc kinh tế thị trường. Với vai trò là người hướng dẫn, Giáo hội phải trình bày và giáo dục luân lý như thế nào để cho giới trẻ ngày nay có được một lương tâm ngay thẳng, một đời sống đúng với niềm tin Kitô giáo? Thiết nghĩ, đây không chỉ là vấn đề của Giáo hội mà còn là nỗi thao thức cũng như trách nhiệm của mỗi một người kitô hữu trưởng thành.
Trước khi tìm hiểu về việc giáo dục lương tâm nói chung, cách riêng lương tâm giới trẻ, chúng ta cần lược qua những thực trạng xã hội mà giới trẻ ngày nay đang phải đối diện.
1. Khủng hoảng về những giá trị lương tâm
Đứng trước vòng xoay của xã hội, có lẽ giới trẻ ngày nay khó tránh khỏi tình trạng khủng hoảng về những giá trị lương tâm. Những trào lưu thăng tiến bản thân, thăng tiến xã hội đang xô người trẻ vào mê hồn trận của những thái độ chạy theo thành tích, vật chất, hưởng thụ, làm băng hoại xã hội, dẫn đến đánh mất định hướng cuộc đời. Cảm giác bất an trong một thế giới biến động của tranh chấp làm cho họ lao mình vào những tranh đua hơn thiệt, sống vội vàng, tìm cách luồn lách trong mọi lãnh vực cuộc sống, kể cả lương lẹo trong đời sống luân lý. Bên cạnh đó, các định chế luật pháp, phong tục tập quán của người xưa không còn hợp thời. Sự cấp tiến của giới lãnh đạo tiêu cực như: nhồi nhét, dạy nói dối, sống loại trừ ngay trong lĩnh vực giáo dục… Cho nên, còn người mất quân bình vì quá lo lắng đến thành quả cụ thể mà quên lãng những giá trị tinh thần.
Sự thay đổi cơ cấu và các giá trị xã hội thường làm cho con người đặt lại vấn đề ý nghĩa cuộc đời. Vì thế, giới trẻ luôn tìm cách đặt ngược lại vấn đề; lấy thành quả cụ thể để làm tiêu chuẩn cho luân lý, lèo lái hay hiểu sai về tiếng nói của lương tâm, nhiều khi còn lao mình vào con đường sa đọa. Điều này quả là một nguy cơ lớn trong giới trẻ, họ muốn mau chóng khẳng định mình trong bậc thang xã hội; những lo âu, khó khăn khiến họ nổi loạn vì thiếu suy xét, thiếu chuẩn bị, thiếu những quy chiếu đúng đắn và nhất là thiếu giáo dục…, cho nên những người trẻ có nguy cơ bị chìm trong một lương tâm ngái ngủ và lầm lạc, rơi vào con đường đánh mất chính mình một cách vô thức. Như vậy, giáo dục lương tâm cho giới trẻ là một điều hết sức cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng trước tiên, Giáo hội cần phải xã định rõ quan điểm của mình về lương tâm kitô giáo để làm nền tảng cho những giáo huấn của mình.
2. Lương tâm theo luân lý kitô giáo
Về bản chất của lương tâm Công đồng Vatican II trong Hiến chế Mục vụ về “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” viết: “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa. Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ. Nhờ lương tâm, lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa và anh em, và được biểu lộ cách kỳ diệu” (CĐ Vatican II, Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng số 16).
Như thế, lương tâm là nơi sâu thẳm nhất của con người, nhờ đó con người nhận biết điều lành điều dữ, đồng thời giúp con người hành động để chu toàn bổn phận làm người của mình. Mỗi người đều phải tuân theo chỉ thị của lương tâm vì đó là tiếng nói cuối cùng mà con người có thể nghe được Lời của Thiên Chúa. Theo lẽ đó, con người có quyền lợi và nghĩa vụ tuân theo tiếng nói của lương tâm.
Theo niềm tin kitô giáo, chúng ta cần khẳng định rằng lương tâm không phải một thứ thành quả ngẫu nhiên của tương quan xã hội, cũng không phải bản năng luân lý hoàn toàn cá biệt của mỗi người. Lương tâm thiết yếu là một phán đoán của lý trí nhằm chỉ dẫn đâu là điều đúng, đâu là sai trong hành động của mình. Trong bản thân mỗi con người, lương tâm có tính cách một quyết định tối tượng. Tuy nhiên, một lương tâm chỉ được xem là chân chính và có khả năng truyền đạt quyết lệnh tối thượng khi biết lắng nghe tiếng nói chân thật của chính lòng mình, nghe được tiếng nói của Thiên Chúa, hiểu được chính tiếng nói của Ngài hiện diện trong mình.
Trong tuyên ngôn về tự do Tôn giáo, Công đồng Vatican II đã khẳng định về quyền tối thượng của chân lý như sau: “Chân lý có quyền tối thượng trên lý trí, đầu hàng trước chân lý, qui phục trước chân lý, không phải là một sự thất bại đối với lý trí”. Như vậy, nói đến lương tâm là nói đến mối tương quan với Thiên Chúa. Là tiếng nói tối thượng, lương tâm không chỉ có quyền tối thượng mà còn có những nghĩa vụ phải tìm kiếm chân lý, khám phá ra những tiêu chuẩn luân lý khách quan như Hiến chế mục vụ của Công đồng Vatican II xác định: “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng phải tuân theo, tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, tránh điều kia. Quả thật, con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy là chính phẩm giá của con người… Nhờ lương tâm lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa và trong anh em…” (Số 16).
Như thế, lương tâm phải có nghĩa vụ phải lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, học biết những luật luân lý chi phối trật tự tự nhiên và siêu nhiên. Nói khác đi, lương tâm phải không ngừng học hỏi, tìm hiểu để những hành động phù hợp với chấn lý.
3. Tự do lương tâm
Một trong những vấn đề thường gặp trong giới trẻ ngày nay đó là những người trẻ không ngừng nại vào tự do lương tâm trong mọi hành vi chọn lựa của mình. Lương tâm là phán đoán của lý trí về tính cách luân lý của hành động con người, là khả năng có thể định giá một hành động tốt hay xâu, đúng hay sai về mặt luân lý. Do đó, con người chỉ có thể nại đến lương tâm khi còn tin ở những giá trị luân lý, còn ý thức về trách nhiệm và còn có khả năng về tự do chọn lựa.
Chỉ có sự tự do lương tâm, hay lương tâm chỉ thực sự tự do, khi lương tâm đó được tự do để chu toàn chức năng của mình. Nói khác đi, lương tâm chỉ thực sự được tự do khi còn có thể phân biệt được thế nào là thiện, thế nào là ác, thế nào là đúng, thế nào là sai về mặt luân lý. Lương tâm không thể được xem là tự do khi mắc sai lầm, khi bảo tốt là xấu, khi bảo xấu là tốt. Cho nên, để có những phán đoán đúng đắn, lương tâm phải dựa vào những tiêu chuẩn luân lý khách quan, mà đối với người kitô hữu, tiêu chuẩn đó là giới luật của Thiên Chúa và giáo huấn của Giáo Hội. Càng tuân theo luật Chúa và giáo huấn của Giáo hội, lương tâm của người kitô hữu càng được tự do.
Ngày nay, nhiều người cho rằng quyền bính và giáo huấn của Giáo hội giới hạn tự do tư tưởng và tự do lương tâm của con người. Nhưng như thế nào là tự do tư tưởng? Phải chăng trí khôn của con người được tự do suy nghĩ bất cứ điều gì nó biết mà không màng đến sự thật và những qui tắc của luân lý? Một trí khôn như thế không thể là một trí khôn tự do được. Không tôn trọng sự thật khách quan và cũng chẳng quan tâm đến qui tắc luân lý, trí khôn sẽ rơi vào trạng thái sai lầm trong từ giây phút. Nói tóm lại, trí khôn của con người được tạo dựng không phải để suy nghĩ bất cứ điều gì, nhưng là suy nghĩ về sự thật, tìm kiếm sự thật.
Như vậy, đe dọa nguy hiểm nhất đối với tự do lương tâm không đến từ bên ngoài, mà chính là từ bên trong, và điều kiện đầu tiên để có và duy trì một lương tâm tự do chính là tuân phục tiếng nói của lương tâm ngay chính. Cho nên ta có thể hiểu được vai trò của Giáo Hội, nhất là khi đề ra những giáo huấn liên quan đến luân lý, không phải để kiểm soát hay hạn chế tự do tư tưởng tự do lương tâm, nhưng Giáo hội muốn giúp cho trí khôn con người được phát triển, và giúp cho lương tâm con người phán đoán phù hợp với những tiêu chuẩn khách quan.
Sau khi tìm hiểu những khó khăn và giới trẻ hôm nay đối mặt, cũng như trình bày thế nào là lương tâm đúng đắn, xin được đưa ra hai đường hướng căn bản nhằm tạo cho giới trẻ một lương tâm trong sáng, xứng với nhân cách kitô giáo.
4. Xây dựng cảm thức tội lỗi bằng đời sống đức tin.
Trào lưu tục hoá và khuynh hướng hưởng thụ đã làm cho người trẻ ngày nay dần mất đi cảm thức về tội. Điều này có nghĩa rằng, giới trẻ hôm nay không cảm thấy mình có tội, tự giảm chức năng của tội, hoặc tội phong trào: người ta làm được mình cũng làm được. Như thế, tội lỗi không còn khả năng làm cho lương tâm người trẻ bị giày vò hay cắn rứt nữa. Người trẻ triền miên phạm tội và mức độ tội ác ngày càng gia tăng, nhưng chính họ không cảm thấy mình có tội và ra như họ đã được miễn nhiễm với tội lỗi.
Con người thời đại vốn đối diện với tội ác như một sự kiện không thể chối cải được: hằng ngày, các phương tiện truyền thông mang lại cho con người biết bao những hình ảnh về tội ác. Nhưng dường như trong thâm tâm, con người thời đại, đặc biệt giởi trẻ lại muốn xóa bỏ mọi ý niệm về tội lỗi. Chẳng hạn, phá thai đang được nhiều người đấu tranh như một quyền của con người. Họ không còn cảm thấy xúc động hay ray rứt nào trước những hành vì như thế. Rồi đến những chém giết, tệ nạn xã hội, bạo động… đã đẩy con người đến trạng thái chai cứng lương tâm. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã nhận định: “ngày nay có lẽ cái tội lớn nhất của thế giới là đánh mất ý thức về tội lỗi”. Mất cảm thức về tội lỗi đã làm cho thế hệ trẻ ngày càng đánh mất sự trong sáng của lương tâm, dẫn đến lẫn lộn trong việc phân định tốt xấu, quay lưng lại với những giá trị truyền thống, chà đạp lên cả nhân phẩm của tha nhân và chính mình.
Nguyên do chính là họ loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, tự đặt mình lên hàng Thiên Chúa và có quyền sinh sát trong tay; họ tạo ra những tiêu chuẩn luân lý với chủ đích phục vụ cho tham vọng của mình, ích kỷ và dục vọng cá nhân. Khi đời sống thiếu vắng Thiên Chúa cũng có nghĩa mất đi chân lý, mất đi cứu cánh của Đấng là nguyên ủy mọi sự. Trong số 13 Hiến chế vui mừng Hy vọng, Công đồng Vatican II đã nói lên thảm cảnh này: “nhiều khi vì từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên ủy của mình, con người cũng phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình, đồng thời phá vỡ hòa hợp với chính bản thân cũng như đối với người khác và với mọi thụ tạo”. Con người chối bỏ phẩm giá của mình bằng hành động chối bỏ phẩm giá của tha nhân. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có lý gọi đó là nền “Văn Minh Sự Chết”.
Bên cạnh đó, để khôi phục cảm thức về tội, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông huấn Sám hối và Hoà giải nhắc nhở thêm: “Điều này (khôi phục cảm thức về tội) sẽ được hỗ trợ nhờ một nền giáo huấn chân chính được soi sáng bởi Thần học Kinh Thánh về Giao ước, nhờ việc chăm chú lắng nghe và tin tưởng đón nhận Huấn quyền của Hội Thánh không ngừng soi dẫn các lương tâm và nhờ việc thực hành chu đáo hơn nữa Bí tích Sám Hối”.
Như vậy, hơn bao giờ hết Giáo hội ngày nay phải không ngừng đào luyện cho giới trẻ một ý thức nhạy bén trước tội lỗi để họ có thể tự tái lập lại cho mình một lương tâm trong sáng, lành mạnh xứng hợp với phẩm giá con người. Bởi lẽ chỉ trong tương quan với Thiên Chúa, con người mới hiểu được thế nào là tội lỗi mà thôi.
5. Giáo dục cho giới trẻ cảm nhận được tình yêu.
Một trong những lý do thúc đẩy Giáo hội phải nhấn mạnh hơn việc giáo dục lương tâm đó là giới trẻ ngày nay dường như càng lúc càng xa lạ với những giá trị như bác ái, vị tha, quãng đại, bao dung, lòng nhân từ, chung thủy… xã hội thực dụng không cổ võ gì với những giá trị đó. Trong cơn lốc kinh tế thị trường, không còn sự nhường nhịn, không còn san sẻ, thông cảm với những con người bị cuốn vào cơ chế của nó. Hậu quả là giới trẻ dễ dàng đánh mất những giá trị cao cả mà không một vật chất nào có thể mua sắm hay so sánh được, và đương nhiên nơi họ không thể tồn tại lương tâm trong sáng, đúng đắn và lành mạnh được.
Giáo Hội nói chung và trách nhiệm của mỗi người chúng ta nói riêng, cần phải tái lập những giá trị tinh thần đó nơi tâm tức của người trẻ, tạo ra cho họ thấy được sự cần thiết và vị trí cao cả của yêu thương, bác ái, chia sẻ, cảm thông… Để làm được điều đó, chắc hẳn ngoài bổn phận của người người mục tử, còn có mỗi người chủ gia đình, giáo dục họ và cần phải có một đời sống tình yêu kitô giáo đích thực. Chính tình yêu chân chính mới mong đem lại cho con người sự nhạy cảm với những giá trị khách quan, vì lương tâm xét cho cùng chính là tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa.
Vì yêu thương Ngài đã tạo dựng và cứu rỗi con người. Con người chỉ có một ơn gọi là đáp trả tình yêu đó, nghĩa là sống yêu thương. Ai tách lìa khỏi tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân sẽ rơi vào lầm lạc, sẽ bị chôn vùi trong những phán đoán sai lạc, chủ quan và cả những hành vi không có lương tâm chút nào. Một lương tâm trong sáng và lành mạnh phải dựa trên nền tảng của yêu thương. Làm thế nào ta có thể hiểu được một người mẹ lại đang tâm giết chết mầm sống của mình đang còn trong bào thai, nếu như đó không phải là sự ích kỷ, thiếu yêu thương, thiếu tôn trọng sự sống của đứa con mình.
Như thế, để tạo cho giới trẻ có được một lương tâm trong sáng và lành mạnh, hơn bao giờ hết, Giáo hội mong muốn mỗi người chủ gia đình phải trở nên hình ảnh sống động của dấu chỉ yêu thương, phải là gương sáng trong tình yêu thương, và là những thầy dạy tình yêu đích thực. Vì giới trẻ ngày nay đang rất cần những chứng nhân về đời sống đạo, đời sống luân lý lành mạnh, hơn là những bài giảng thuyết hùng hồn mà không có được những dấu chứng đích thực.
Kết
Vấn đề lương tâm không chỉ là lãnh vực thuần túy luân lý, mà là vấn đề của mọi vấn đề, bởi vì khủng hoảng lương tâm cũng là căn nguyên mọi khủng hoảng khác. Cho nên, Giáo dục lương tâm hay huấn luyện lương tâm chính là giúp cho con người nhận thức được sự biến chất, thoái hóa cái tâm của mình và cố gắng cải thiện, cố gắng điều chỉnh để đưa cái tâm bị biến chất, thoái hoá về với cái chính tâm, cái tâm thiện tức là lương tâm.
Tất cả những gì trình bày ở trên chỉ là những bước khái quát về việc giáo dục lương tâm cho giới trẻ. Từ đó cố gắng nói lên tiếng nói cấp bách của việc giáo dục lương tâm cho giới trẻ hiện nay. Từ thực trạng khủng hoảng về giá trị lương tâm mà giới trẻ đang đối diện do tác động của những biến chuyển lớn trong xã hội: lắm thử thách, vàng thau lẫn lộn với những bậc thang giá trị bị thay đôi thì vai trò giáo dục lương tâm của tất cả chúng ta đang trở nên quan trọng hơn bào giờ hết.
Để sống trọn vẹn với nhân phẩm của mình, con người phải được giải thoát khỏi những kiềm tỏa của đam mê, tự do chọn lựa những điều thiện hảo và chịu trách nhiệm chính cuộc đời của mình. Do vậy, lương tâm phải được giáo dục, phải được Lời Chúa soi sáng, và được nuôi dưỡng trong đời sống đức tin cùng tiệm tiến trên con đường đức ái. Thánh Thần luôn là thầy dạy tuyệt vời giúp con người biết sống thế nào cho đúng với phẩm giá của mình, phẩm giá làm con Thiên Chúa.

Lm. Bạch Sơn Quỳnh

Leave a Reply