NGÀY XƯA CÓ MẸ
NGÀY XƯA CÓ MẸ
(Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội 8/12/2018)
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,
Thi sĩ Thanh Nguyên đã kết thúc bài thơ “NGÀY XƯA CÓ MẸ” bằng mấy câu thơ thật dễ thương và đầy ý nghĩa :
Cổ tích thường khi bắt đầu
Xưa có một vị vua hay một nàng công chúa
Nhưng cổ tích con
Bắt đầu từ ngày xưa có mẹ !
Đúng vậy, chuyện cổ tích đẹp nhất của mỗi đời người đó chính là cổ tích về me : “ngày xưa có mẹ”; và điều nầy xem ra còn đúng hơn nữa đối với chúng ta, đặc biệt trong ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm hôm nay : chúng ta có thể nói được : cổ tích của những người Công Giáo bắt đầu từ “ngày xưa có Mẹ”.
“Ngày xưa có Mẹ” vì ngay từ thuở khai sinh nhân loại, như trong trích đoạn sách Sáng thế tường thuật sự cố “sa ngã” của tổ tông loài người vừa được công bố trong Bđ 1, Mẹ đã xuất hiện trong “lời hứa” và cũng là “Tin Mừng đầu tiên” của Thiên Chúa : “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”.
“Ngày xưa có Mẹ”, vì hình bóng Mẹ luôn thấp thoáng qua nhiều hình ảnh tiên trưng trong suốt chiều dài Cựu ước, được cô đọng với hình ảnh “người thiếu nữ Sion”, như “cô dâu rạng rỡ điểm trang” (Is 61,11) đón đợi đức lang quân đang “nhảy nhót băng qua đồi, đang tung tăng vượt qua núi” (Dc 2,8); nhất là trong những sứ điệp của các sứ ngôn (như Isaia, Mika…) loan báo về ngày xuất hiện của Đấng Mêsia mà chúng ta thường được nghe trong phụng vụ Mùa Vọng hay những ngày lễ Mẹ : “Nầy đây một trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14); “Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en cho đến thời một phụ nữ phải sinh sẽ sinh con” (Mk 5,2a)…
Và rồi, cái Tin Mừng đầu tiên : “đạp đầu con rắn” quá xa xôi đó tưởng chẳng khi nào hiện thực, và những hình ảnh tiên trưng của bao thời Cựu ước rồi cũng sẽ trôi theo mây gió cùng với những lời tiên báo của các sứ ngôn…, thì chuyện cổ tích “ngày xưa có Mẹ” lại được viết tiếp, và viết cách dứt khoát qua câu chuyện truyền tin mà chúng ta vừa nghe thánh sử Luca kể lại : “Kính chào Trinh nữ đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng Trinh nữ, Trinh nữ có phúc hơn các người phụ nữ…” (Lc 26-36).
Nhưng nói về Mẹ chúng ta, về “Đấng Đầy Ơn Phúc”, đâu có phải chỉ là một “chuyện cổ tích suông “ngày xưa có mẹ”, mà là một chân lý, một huyền nhiệm, một tín điều cơ bản liên quan đến số phận đời của mỗi con người trên dương thế. Vâng cái “ƠN PHÚC” vô song, đầu tiên Thiên Chúa dành cho Mẹ chính là đặc ân “VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI”, mà phụng vụ hôm nay đang long trọng kính nhớ.
Quả thật, trong chương trình cứu rỗi diệu kỳ của Thiên Chúa, điểm đến quyết định lại không thể loại trừ câu chuyện “ngày xưa có mẹ”, không thể không tính đến một bóng hình phụ nữ như lời Thánh Phaolô : “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người, sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền lề luật, để cứu chuộc những kẻ dưới quyền lề luật, ngõ hầu ta được chịu lấy quyền nghĩa tử” (Gl 4,4); và người nữ đó chính là Đức trinh Nữ Maria, Đấng “đã được gìn giữ khỏi mọi vương vấn nguyên tội” như lời định tín của Đức Piô IX trong tín điều “Vô Nhiễm ngày 8.12.1854 : “Ta tuyên xưng, công bố và xác quyết rằng tín điều nầy đã được Thiên Chúa mặc khải và vì thế phải được mọi tín hữu tin nhận cách chắc chắn, không được rút lại. Cụ thể, tín điều nầy xác quyết rằng Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria ngay từ giây phút đầu tiên được tượng thai – nhờ ân ban và đặc sủng vô song Thiên Chúa toàn năng ban cho và nhờ công trạng của Đức Giê-su Ki-tô – đã được gìn giữ khỏi mọi vương vấn nguyên tội”. (Tự điển Đức Mẹ, trang 628).
Và câu chuyện “ngày xưa có Mẹ Vô Nhiễm” đó lại được viết tiếp ngay trong thời đại của Hội Thánh Công Giáo : Chỉ một vài năm sau biến cố định tín tín điều Vô Nhiễm (8.12.1854), vào ngày 25 tháng Ba năm 1858, Đức Mẹ hiện ra tại hang đá Massabielle ở Lộ Đức, với thánh nữ Bernadette Soubirous, đã xác nhận tín điều trên đây khi tự xưng mình là “Que soy era Immaculada Counceptiou”, có nghĩa là “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.
Nhưng hôm nay mừng lễ Mẹ, không phải chỉ để nhắc lại những chuyện cổ tích về Mẹ, cho dù nói cho mấy, nhắc cho mấy cũng chẳng khi nào vơi cạn; mà là để đón nhận huyền nhiệm Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào cuộc hành trình đức tin, vào nhịp sống đạo hôm nay.
Mà “hôm nay” của Năm Phụng Vụ lại là Mùa Vọng, mùa của màu tím đợi chờ, mùa của tiếng ca khát khao hy vọng : “Trời cao hãy đổ sương xuống…”.
Quả thật, lễ Mẹ Vô Nhiễm đang về giữa cái thời điểm phụng vụ đặc biệt nầy như là dấu chỉ của một “mùa xuân cứu độ đang về giữa mùa đông tội lỗi giá băng” như cách cắt nghĩa của R.A.Knox trong tác phẩm “Những ngày lễ của Năm Phụng vụ” :
“Ngày lễ Vô Nhiễm tiên báo dấu chỉ mùa xuân sẽ đến đang khi còn mùa đông, lúc vạn vật dường như đang chết, như sự xuất hiện của những mầm xanh đang nhú lên. Tương tự, giữa một thế gian đang nhiễm vương tội lỗi và chìm trong vô vọng, Đức Maria Vô Nhiễm tiên báo sự phục hồi sắp đến cho tình trạng trong sạch của nhân loại. Chúng ta có thể cảm nghiệm sự phát triển đang đến giống như chúng ta cảm thấy một bông hoa sẽ tươi nở khi nhìn thấy một chiếc nụ còn chúm chím. Khắp thế gian vẫn đang mùa đông giá lạnh, trừ mái nhà của ông Joachim, nơi bà Anna đã hạ sinh một bé gái. Mùa xuân đã khởi đầu từ đó” (R.A.Knox, Feast of the Liturgical Year, p. 298).
Mùa xuân mà hồng ân Vô Nhiễm” khai mở dành cho tất cả nhân loại, cho mỗi người chúng ta đó là “mùa xuân của ơn gọi làm con Thiên Chúa trong Đức Kitô Con Mẹ”; là mùa xuân chiến thắng huy hoàng của sự thánh thiện trên tội lỗi, của trong sạch trên ô nhơ…như minh định của Thánh Phaolô trong trích đoạn thư gởi giáo đoàn Êphêsô mà chúng ta nghe công bố trong Bđ 2 : “Bởi Người đã kén chọn chúng ta trong Đức Kitô từ trước khi tạo thành vũ trụ, hầu cho chúng ta được thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người…”.
Và như thế, sống mầu nhiệm Vô Nhiễm hôm nay, chính là thực hành “nên thánh trên con đường của chính Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm” như lời kêu gọi của ĐGH Phanxicô trong những dòng cuối của tông huấn Gaudete et Exsultate : “Mẹ Maria là vị thánh giữa các thánh, có phúc hơn mọi người khác, Mẹ chỉ bảo cho chúng ta nẻo đường thánh thiện và luôn đồng hành với chúng ta. Mẹ không bỏ rơi chúng ta trong tình trạng sa ngã và có những lúc Mẹ dang tay ôm lấy chúng ta mà không phán xét. Trò chuyện với Mẹ chúng ta được an ủi, được giải thoát và được thánh hóa. Mẹ không cần chúng ta nhiều lời, Mẹ không cần chúng ta cố gắng quá nhiều để giải thích cho Mẹ những gì đang xảy ra trong cuộc sống mình. Chúng ta chỉ cần thầm thì lặp đi lặp lại: “Kính mừng Maria…”.
Riêng đối với anh chị em hội viên Legio Mariae (Hoạt động cũng như tán trợ), ngày Tổng Hội thường niên của dịp Mẹ Vô Nhiễm nầy thật đong đầy ý nghĩa. Bởi chưng, cho dù hàng tuần, hàng ngày chúng ta có nhiều dịp “đến bên Mẹ”, cầu nguyện với Mẹ, đi hoạt động tông đồ cùng Mẹ…nhưng chắc chắn là chưa bao giờ hiểu Mẹ, yêu Mẹ cho đủ; như mấy câu thơ về mẹ của Thanh Nguyên :
Mẹ là tiếng từ khi bập bẹ
Đến lúc trưởng thành
Con vẫn chưa hiểu hết chiều sâu
Mẹ có nghĩa là bắt đầu
Cho sự sống, tình yêu và hạnh phúc.
Cho nên, dịp lễ Mẹ Vô Nhiễm nầy, chúng ta hãy để Mẹ ân cần nhắc bảo chúng ta về việc thực hành nên thánh, về sự dốc quyết chiến thắng tội lỗi, về đời sống can đảm làm chứng tá cho những giá trị Tin Mừng trong một xã hội bon chen ngập tràn tính hư tật xấu, về nhiệt tâm tông đồ dấn thân đến với bao nhiêu căn hộ, gia đình, cá nhân…đang còn nằm trong bóng tối của tội lỗi, mê muội, lầm lạc.
Ngày Tổng Hội lại diễn ra trong bầu khí nô nức hướng về đại lễ Giáng Sinh lại càng là cơ hội, là động lực để chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn sự hiện diện và vai trò của Mẹ Maria Vô Nhiễm trong công cuộc làm chứng và loan báo Chúa Giêsu, Đấng nhập thể làm người trong thế giới nầy.
Và chắc chắn hôm nay trên thiên quốc, Mẹ Maria đang mĩm cười và thỏ thẻ trong tâm hồn với những đứa con của mẹ, như lời tâm sự cuối cùng trước khi lìa đời của người mẹ trong ca khúc “Nhật Ký của mẹ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung : “Cảm ơn vì con đến bên mẹ”.
Trương Đình Hiền
Recent Comments