NO NHAU LOI XIN LOI
NỢ NHAU LỜI XIN LỖI
Sai và sửa sai, lỗi và xin lỗi là một chuyện bình thường có tính quy luật. Bởi vì sai mà không sửa, lỗi mà không xin lỗi kịp thời thì không những không có tiến bộ mà còn ngày càng lún sâu trong vực thẳm của suy vong.
Đã làm người, ai cũng có sai sót và lầm lỗi. Hằng ngày, chúng ta tham dự Thánh lễ và thú tội: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót”, và tự nhận lỗi mình: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Đó là công khai xin lỗi Chúa và xin lỗi mọi người.
Thế nhưng vì “thuộc lòng” và “quen miệng”, có thể chúng ta “đọc để mà đọc” chứ chưa hẳn đã thực sự thành tâm “thú tội”. Cho nên, Chúa Giêsu đã từng cảnh báo: “Nếu khi bạn sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người đang có chuyện bất bình với bạn, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).
Ai cũng có lỗi, nên ai cũng cần xin lỗi, đôi khi cần xin lỗi vài lần trong một ngày. Chúng ta làm những điều sai lỗi, gây nổi buồn cho người khác. Có thể chúng ta đã nói điều gì đó làm tổn thương người khác, vội xét đoán người khác, rồi biện minh rằng: “Tôi chỉ đang đùa thôi”. Cho nên, nói “xin lỗi” là một trong những việc khó làm nhất.
Nhận ra lầm lỗi của mình là điều rất khó. Có người ví von rằng mỗi người đều mang một gùi đầy tội sau lưng và một gùi công đức trước ngực. Vì thế, người ta chỉ thấy công đức mà không thấy được lầm lỗi của mình. Ông Dale Carnegie, một học giả trứ danh người Mỹ viết nhiều cuốn sách nổi tiếng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới quả quyết rằng: “Tôi đã bỏ ra gần 70 năm trong đời để khám phá ra chân lý nầy là dù người ta có lỗi nặng đến đâu, thì trong 100 lần phạm lỗi thì có tới 99 lần người ta tự cho mình là vô tội.”.
Sống trong một xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân, trong đó, cái tôi là trung tâm, thì dường như lời xin lỗi chỉ dành cho những người yếu thế và mất tự tin vào cuộc sống. Xin lỗi không phải là một nét tế nhị có tính xã hội. Nó là một lễ nghi quan trọng, một cách chứng tỏ lòng kính trọng và thiện cảm đối với người bị hàm oan. Xin lỗi có khả năng hóa giải cơn giận và ngăn chặn các hiểu lầm có thể có trong tương lai. Trong lúc xin lỗi không thể xóa bỏ nỗi đau có thực đã xảy ra trong quá khứ, nhưng nếu nó được thoát ra một cách chân thành và có hiệu quả thì nó có thể hóa giải các mặt tiêu cực của các hành động gây lỗi.
Trong tình yêu, nơi “cái tôi” phải nhỏ đi để cho “cái ta” được lớn lên, lời xin lỗi cần phải có một chỗ đứng. Nhạc sĩ Minh Nhiên trong ca khúc: “xin lỗi tình yêu” đã thốt lên “Tình yêu hỡi ngàn lần xin tha thứ, xin lỗi em ngàn lời xin lỗi em”. Chúng ta biết rằng, lời xin lỗi là thành phần giúp xây dựng con người nhân bản. Chỉ có những người nhận phần trách nhiệm về những lỗi phạm của mình mới thực sự trưởng thành hầu xây dựng một mái ấm gia đình, nơi tình yêu ngự trị.
Lúc vui vẻ hay hạnh phúc, nói lời xin lỗi thật dễ dàng, nhưng trong lúc khó khăn hay vất vả nói lời xin lỗi trở nên thật khó. Lúc đó họ thường đổ lỗi cho nhau, tình yêu trở nên lạc điệu. Có lẽ, lời xin lỗi cần được thay thế bằng một thái độ nhún nhường. Một trong hai người cần rút lui khỏi cuộc tranh luận, như thế cơm sôi nhỏ lửa không sợ tình yêu bị cháy. Rút lui như thế không phải là chạy trốn thực tại, song là níu kéo một cuộc tình lớn hơn.
Đôi lúc miệng nói lời xin lỗi nhưng lòng thì không, thoạt tiên nó có thể tạo cho người nghe một cảm giác dễ chịu trong nhất thời, song từ trái tim không đến được trái tim, có một rào cản vô hình ngăn cách họ; điều này, một người có chút nhạy bén trong tình yêu cũng có thể nhận ra thái độ thiếu chân thành nơi người kia. Khi ấy, cả hai cùng tự vệ cho đến khi nào một bên chấp nhận mở lòng ra. Tình yêu sẽ nhen nhúm, khi có một tâm hồn thiện chí sưởi ấm tim nhau bằng một thái độ chân thành. Thái độ chân thành không chỉ là thành phần của đức tính nhân bản mà còn là chất xúc tác trong tình yêu.
Lời xin lỗi có một sức công phá rất lớn đến nỗi đối tượng kia phải mở lòng để đón nhận tình yêu. Đôi khi, chấp nhận “thua cuộc”, nói lời xin lỗi để được tình yêu. Thật ra, trong tình yêu không có kẻ thua người thắng, chỉ có cái tôi mới tìm sự thắng thua; còn cái ta thì tìm sự vun đắp cho tình yêu đôi lứa. Có “thua cuộc” trong tình yêu cũng là cách để cho cái tôi “chết đi” và cái ta lớn mãi.
Cũng vậy, trong tình yêu, người ta không còn khái niệm: đúng – sai nữa ! Hai người yêu nhau không còn dùng lý luận hay lý sự để bắt chẹt nhau, vì như triết gia Pascal đã nói: Con tim có lý lẽ riêng của nó. Bởi vậy, trong tình yêu, mọi chân lý lại trở nên bình thường hóa và tương đối hóa nhường chỗ cho hai tâm hồn nên duyên.
Cuộc sống sẽ hóa giải mọi hiềm khích nếu những người sống bên nhau biết nói lời xin lỗi. Đừng để khi đứng trước quan tài người thân mới nghẹn lời nói trong nước mắt. “Con nợ mẹ cha một lời xin lỗi” như bao bạn trẻ mà tôi đã thường gặp . . .
Thánh Phaolô nói: “anh em đừng mắc nợ nhau điều gì ngoại trừ tình yêu”. Nếu xét về tình yêu ta thấy mình còn nợ nhiều. Nợ ai đó một bổn phận, một công việc. Nợ ai đó một trách nhiệm mình chưa hoàn thành. Nợ ai đó một lời xin lỗi vì mình quá thờ ơ. Nợ ai đó một lần phản bội, phụ bạc với người hết mình yêu ta.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một của Ngài cho thế gian. Nhưng xem ra chúng ta còn nợ Ngài rất nhiều lời “xin lỗi Chúa” vì những lần xúc phạm đến Ngài, vì những lần không chu toàn bổn phận với Ngài và vì những lần ta phản bội để chạy theo thú vui trần thế.
Theo Thánh Phaolô, tội lỗi đã phá huỷ những liên hệ hài hoà giữa con người với Thiên Chúa, xin lỗi là tái lập những liên hệ ấy. Mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm về sai lầm bản thân, về sự đỗ vỡ, sự bất hoà. Hai người bạn trở nên lạnh nhạt, hai người tình bổng hoá xa lạ, hai vợ chồng trở thành dửng dưng. Đổ vở bất hoà sinh ra hiểu lầm, đau khổ, tiếc nuối. Khi đổ vở, phía nào thấy sai để sửa chữa, phía nào yêu nhiều hơn sẽ chủ động tìm cách làm hoà, hàn gắn lại. Không ai không phạm sai sót lỗi lầm. Người ta chỉ khác nhau ở chỗ đối xử với sai lỗi của mình như thế nào mà thôi.
Trong thực tế, ai cũng hiểu: lời xin lỗi rút ngắn khoảng cách giữa người với người, làm cho sự rạn nứt được hàn gắn, làm cho sự hiểu lầm được giải toả, làm cho sự thù hằn trở nên tình thương mến, làm cho đôi bên nhận ra vấn đề sáng suốt hơn và cùng nhau đi đến một sự hiệp nhất cần thiết. Thế nhưng, từ “hiểu” đến “hành” quả là một chặng đường dài gian nan và lắm chướng ngại vật. “Dài” bởi “tôi” có lỗi gì mà phải xin lỗi? Ngay cả khi lỗi rành rành nhưng “tôi” vẫn tìm đủ mọi cách để biện minh. “Gian nan” bởi người đó là ai mà “tôi” phải hạ mình xin lỗi? Lòng kiêu hãnh của “tôi” còn cao lắm! “Chướng ngại vật” từ không gian đến thời gian, từ biến cố đến con người… Chẳng vậy mà ta thử hỏi: có mấy người lớn xin lỗi kẻ nhỏ, người giàu xin lỗi kẻ nghèo, bề trên xin lỗi bề dưới?… Không phải vì họ ít phạm lỗi, nhưng vì họ không đủ khiêm tốn để nói lời xin lỗi. Một lời nói mà đúng ra, những người thuộc “tầng lớp trên” phải thấu hiểu: Lời xin lỗi làm tăng giá trị nhân bản và lòng tự trọng, cũng như sự tôn trọng nơi họ.
Năm Thánh 2000, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ngõ lời xin lỗi thế giới về những lỗi lầm của Giáo hội trong quá khứ. Nhiều tổng thống, thủ tướng, thượng nghị sĩ hay những người nổi tiếng phải triệu tập những cuộc họp báo để xin lỗi công chúng vì những hành động hay lời nói của họ.
Tại sao lời xin lỗi lại quan trọng đến như thế? Xin thưa là bởi vì, lời xin lỗi có sức mạnh hoá giải, làm hoà và đi đến hoà bình.
Bạch Sơn Quỳnh
Recent Comments