ÔI MỘT ĐỜI DUYÊN NỢ…

ÔI! MỘT ĐỜI DUYÊN NỢ…

Linh mục thi sĩ Sơn Ca Linh đã sáng tác một bài thơ mang tên “ Ôi Linh mục! Một cuộc đời mắc nợ” ( trong “Mùi của bánh Tình Yêu”, trang 52). Ở đây, chỉ xin ghi lại vần thơ  đầu và cuối:

Ôi Linh mục! Một cuộc đời mắc nợ!

Đến bao giờ mới trả cho xong?

Thánh lễ chiều nay sao vắng tiếng thánh ca?

Ôi! Linh mục!

Một cuộc đời làm sao ta trả hết!

Ngẫm lại thì cái được gọi là “NỢ” không phải chỉ dành cho cho Linh mục hoặc Tu sĩ,   nhưng còn vương vấn đến cả các cựu Chủng sinh và Tu sĩ (CCS/TS).

Trong cuộc sống với những giao tiếp thường ngày, thế nào cũng có những “cuộc gặp gỡ” bất ngờ, có thể chỉ là trong phút giây, nhưng để lại ấn tượng khó phai. Người ta thường đồng ý, theo kiểu nói dân gian, gọi đó là “Nhân Duyên”, và từ đó, phát sinh thành… “Duyên Nợ”. Gặp gỡ bất ngờ còn mang nợ như thế, huống hồ với những cuộc giao lưu còn dài hơn.

Thử nghĩ coi! Cách đây hai ngày, anh Thành Long có gọi điện mừng Lễ Phục Sinh, rồi anh nói đến Ngày hội truyền thống của anh chị em CCS/TS vùng Phú Yên, sau đó không quên nhắc đến địa điểm Sông Cầu. Tôi chợt nhớ đã có lần mời anh chị em có dịp ra thăm Sông Cầu. Năm ngoái, anh em có đề nghị, nhưng gặp trở ngại không thực hiện được. Lần này tôi đã đồng ý ngay, vì đây quả là “món Nợ”… Hôm qua, anh Lê Mến gọi điện nhờ viết một bài đăng nội san hàng năm. Hơi bất ngờ, nhưng tôi đã mau mắn nhận lời, vì đó là “cái Duyên”. Và như thế, cho dù có là ai đi nữa, nếu đã một lần đi ngang qua ngưỡng cửa của chủng viện hoặc tu viện, đều là những người có “duyên nợ” với Chúa, với Giáo Hội, và với anh chị em CCS/TS.

“Từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi con giữa muôn người…”. Bài thánh ca của nhạc sĩ Kim Long vẫn vang lên mỗi dịp có Thánh lễ truyền chức Linh mục. Những ai “đi tới bến” thản nhiên hát tiếp, còn những kẻ “lỡ bước sang ngang”, đến đây thì ngập ngừng…và cầu nguyện… Cái duyên nợ không chỉ ở khúc cuối, nhưng là những gắn bó từ đầu. Nếu việc Chúa làm là “trăm hạt thóc bóc một hạt gạo”, thì Chúa đã tách ra trăm hạt thóc ấy từ hàng ngàn, vạn, triệu hạt thóc khác. Các Linh mục Tu sĩ và anh chị em  CCS/TS vẫn có những kỷ niệm, câu truyện, hồi ức để chia sẻ cho nhau. Những vùng kỷ niệm được tìm về và khơi lên, mỗi khi nhớ lại cái thuở ban đầu lưu luyến ấy.

Kỷ niệm khởi đầu nhất mà chúng ta có là được Chúa gọi “đi tu”… rồi đến kỷ niệm qua ngôn ngữ. Ngay từ những năm đầu tiên, ba ngôn ngữ bắt buộc phải học là La tinh, Anh văn và Pháp văn…Câu Latinh đầu tiên mà ai học ở chủng viện, đến nay vẫn còn thuộc là “Deus sanctus est”. Sự thánh thiện là đích nhắm quan trọng cho đời tu, và cả đời thường. Chỉ có Chúa mới là Thánh, cho nên Chúa luôn phải là niềm tin, yêu, hy vọng và sức sống trong suốt đời mình. Sau đó, cuộc đời có nổi trôi về đâu đi nữa, chúng ta cũng không thể nào nghĩ và đi ngược lại, cho dù cuộc sống đạo lắm khi ba chìm bảy nổi.

Còn tiếng Pháp, chú nào mà không nhớ đến “Monsieur Vincent” trong Cours de la Langue francaise. Tên Vincent làm ta liên tưởng đến thánh Vinh Sơn, cũng như tên gọi của người Âu Mỹ thường có liên quan đến một vị thánh. Thuở sống trong thế giới nhà tu, ai mà không lấy một vị thánh làm thần tượng, để mở ra một con đường gần gũi mà nên thánh. Hồi còn là chú nhỏ, tôi rất thích vài vị thánh biết được qua thư viện nhà trường, hoặc được nghe qua sách thiêng liêng: thánh Đaminh Saviô, Gioan Béc-man, Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Giulianô Ey-ma…, và cứ thế mà noi gương bắt chước, tạo thành những thói quen đạo đức cho đến bây giờ.

Đến tiếng Anh, tôi lại liên tưởng đến một vị tiền bối, cha Giám đốc Tiểu Chủng Viện, tức Cố Giám Mục Giáo phận Qui Nhơn Phaolô Huỳnh Đông Các. Lúc đó, người Mỹ gọi ngài là “Father Paul”. Father Paul là một thần tượng về trí thức, bằng cấp đầy người, tiếng Mỹ nói như gió…Kỷ niệm của ngài với tôi thì quá nhiều. Khi tôi mới vào TCV (Tiểu Chủng Viện) Qui Nhơn, thì ngài cũng mới từ Mỹ về nước làm giám đốc TCV/QN. Khi tôi lên ĐCV thì ngài làm Giám Mục. Khi tôi chạm Bàn Thánh thì ngài là người truyền chức cho tôi. Có thể nói, tôi kiên trì được đến chức Linh mục, chính nhờ ngài đã yêu thương và quan tâm gìn giữ ơn gọi cho tôi. Tôi “nợ” ngài nhiều lắm, cũng như nhiều thế hệ CCS/QN…

Nhưng những kỷ niệm về ngôn ngữ trên chỉ là phương tiện, để qua đó, chúng ta nhớ đến môi trường đào tạo, nhớ đến cái duyên nợ với đời tu, dù trong chỉ trong phút giây, cũng đã, đang và sẽ còn in hằn nơi tâm trí và cuộc đời của mỗi người. Và như thế, người CCSTS:

Hoàn thiện cuộc đời của những người đã một lần được Chúa thương đặt vào mảnh đất của “trăm hạt thóc”, đã được Chúa huấn luyện bằng những kỹ năng cơ bản làm Kytô hữu, được kêu gọi nên hoàn thiện như “Deus est Sanctus”.
Vẫn bước đi, theo dấu chân của những vị thánh một thời đã gây ấn tượng.
Vẫn tiếp tục cái duyên nợ ban đầu, đã hóa thân thành những người cha, người mẹ trong đời sống hôn nhân, để tỏa sáng như một gia đình của CCSTS.

Và cuối cùng, hãy cố gắng… để:

Thánh lễ chiều nay vẫn vẳng tiếng thánh ca.

Ôi! Cựu CCSTS!

Một cuộc đời làm sao ta trả hết!

        Sông Cầu, ngày 07.04.2018

                                                                  Lm Antôn Nguyễn Huy Điệp

Leave a Reply