ÔNG THẦY NỘI

Ông Thầy Nội

Ngày mùng bảy tết vừa qua, tôi được về lại quê hương nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, sống trọn tuổi thơ vừa đẹp, vừa êm đềm khó tả… Tới cầu Nước Mặn, lòng bồi hồi khó tả. Kìa, ga Chương Hòa, từng hàng dừa bạt ngàn như chạm ngay vào ký ức của tôi “Ngày ấy đâu rồi? ngày ấy đâu rồi? cho tôi tìm lại những ngày ấu thơ”. Từ ga Chương Hòa lên 500 mét đến nhà của tôi. Cả họ Gò Xoài và ngay cả địa sở Gia Hựu chỉ còn lại duy nhất nét nhà của tôi. Bùi ngùi chạm đến những mảng tường cổ còn sót lại, những thước phim ấu thơ chậm rãi quay lại trong tôi, sát bên nhà tôi trường sơ cấp, nhà vuông, nhà thờ, hang đá không còn chút dấu tích. Nhà bà mười Trưởng, ông Khương, ông Hạnh, bà Tám Tân, ông Phấn… chỉ còn lưu lại trong ký ức. Tâm trạng bây giờ giống như “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan:

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ

Cành đấy người đây luống đoạn trường”

Ngược lên nhà thờ Gia Hựu, chỉ còn lại vết tích ngôi nhà Mồ, nơi chôn cất hài cốt hàng ngàn vị tử đạo và một số linh mục thuộc địa sở, xót xa bùi ngùi cảnh hoang phế. Hang đá chỉ còn trơ lại sườn đổ nát, cỏ cây mọc um tùm, giống những phế tích

“Thương hài, tang điền”

Sát bên là ngôi trường tiểu học của nhà thờ, bao nhiêu thế hệ linh mục, những nhân tài bốn phương xuất thân từ đó, ấm áp tuổi học trò, tuổi thơ, giờ không còn một dấu tích… Chỉ có những ai đã sống vào thời đó, mới mặc cho nó những kỷ niệm, hình ảnh, sinh hoạt, sống động. Tất cả giờ chỉ là:

“Biết đâu tìm lại những câu chuyện cổ

Quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi”

Để kể lại cho con cháu hậu lai, giờ chỉ biết:

“Khóc vì nỗi thiết tha sự thế

Ai bày trò bãi bể nương dâu”

(Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều)

Có một người đã làm nên nhân cách của tôi và anh chị em tôi, người ấy đã để lại dấu ấn đặc biệt trên tuổi thơ của chúng tôi đó là “Thầy Nội”. Hồi ấy anh em chúng tôi khi bước vào trường ai cũng khen trình độ đánh vần, đọc sách và viết chữ của anh em chúng tôi, hỏi ai đã dạy chúng tôi, câu trả lời “Thầy Nội”

Thầy Nội chính là ông Nội chúng tôi, người đã dạy 11 anh em chúng tôi đọc sách và viết chữ trước khi bước vào trường.

Không biết từ khi nào, ông Nội là ông Câu của họ Gò Xoài, một họ đạo có những sinh hoạt đặc biệt, nhất là có nhiều ơn gọi linh mục nhất 12 họ của địa sở Gia Hựu. Nhìn thấy ban Chức việc của họ có vài trăm giáo dân cũng thấy thật hùng hậu:

Ông Nội, ông Câu của giáo họ là anh ruột của 3 linh mục, là ông Nội của 3 linh mục.
Biện Phước: cha của linh mục Nguyễn Hữu Ngợi bị giết hại tại Hoàng Phước, Quảng Nam, ông ngoại của Lm. Nguyễn Chính
Biện Nhì: cha của Lm. Huỳnh Đắc Nhì, thầy Huỳnh Kim Chương.
Biện Liên: cha của Lm. Huỳnh Ngọc Luận và Huỳnh Tấn Hải.
Biện Phấn: Thầy nhà trường
Biện Thức: cha của Lm. Nguyễn Bá Đường

Ngày ấy, ông Nội đã huy động giáo dân lên cấm, đem xuống những tảng đá to để xây dựng một hang đá rất đẹp kính Mẹ Carmelo hằng năm. Họ đạo có một đội kèn tây, một đội trống tây, đội tông đồ phục vụ cho các ngày lễ trong họ và cho địa sở.

Ông Nội là thầy thuốc bắc, ai bệnh đến ông bắt mạch cho toa miễn phí. Ông viết toa thuốc bằng chữ nho.

Vào mỗi chiều hằng ngày, khoảng 3,4 giờ ông có mặt tại sân nhà thờ tổ chức cho các em u mọi, dựt cờ, nói chuyện với người già cho tới giờ kinh tối.

Ông Nội yêu thương con cháu một cách đặc biệt, ngoài dạy dỗ, còn làm những đồ chơi bằng gỗ nhẹ treo lên cao, lộng gió đồ chơi cử động được. Đối với mọi người ông yêu thương và giúp đỡ như những người thân, mọi người trong họ không gọi ông bằng ông câu nhưng bằng từ ngữ thân thương: ông hai, bác hai, chú hai, cậu hai, anh hai….

Chưa thấy một họ đạo nào mà giáo dân yêu thương đoàn kết đùm bọc lẫn nhau như người nhà. Chắc chắn ông Câu họ đạo phải là mẫu gương, động lực để nối kết mọi người không riêng gì Gò Xoài mà cả địa sở Gia Hựu được các cố tây thời đó đánh giá như là “Thiên đường tại thế” cả về cảnh vật lẫn con người.

Xin cảm ơn Ngài đã cho con sinh ra và lớn lên ở vùng đất rợp bóng dừa xanh, thắm đậm tình người như thế, nhân cách của tôi được bồi đắp từ người ông, Chúa ban như là món quà quý giá, làm sao con cháu phải luôn duy trì và bảo tồn di sản quý báu mà cha ông đã để lại.

Phải có một ngày tôi không còn hát: Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi? mà phải hân hoan cất to: Ngày ấy đây rồi, ngày ấy đây rồi!!!

 

Tảng đá của hang đá Gò Xoài còn sót lại đặt trước nhà thờ Thác Đá Hạ không phải là “cổ vật” nữa. Đây phải là nền móng dựng xây lại họ Gò Xoài, địa sở Gia Hựu mà cha ông đã đổ máu đào, công sức trọn lòng người đã gầy dựng bồi đắp…

Gò Xoài, Gia Hựu không phải là chuyện “cổ tích” mà là chuyện của ngày hôm nay và của tương lai…Tôi yêu ngày ấy vô cùng!!!

Phục sinh 2018

Phương Hạc

Leave a Reply