HANG ĐÁ ĐỨC MẸ

Hang đá Đức Mẹ.

Giáo dân Việt Nam luôn yêu mến Mẹ Maria. Sân nhà thờ nào mà không có một hang đá kính Mẹ, bàn thờ gia đình nào mà không đặt một ảnh tượng Mẹ và giờ kinh hôm sớm nào mà lại không có chuổi Mân Côi dâng Mẹ. Rồi các trung tâm Đức Mẹ trên khắp đất nước lúc nào cũng thu hút đông đảo người hành hương tới cầu nguyện như La Vang, Tà Pao, Măng Đen …

Ở Phú Yên cũng vậy, ngoài những hang đá Đức Mẹ nằm trong sân các nhà thờ, ta còn có hai nơi dành riêng để tôn vinh Mẹ : đó là tượng đài Đức Mẹ Hòa Bình ở núi Chóp Chài và hang đá Đức Mẹ Mã Vôi ở giáo xứ Tịnh Sơn.

Tượng đài Đức Mẹ đồi Hòa Bình nằm dưới chân núi Chóp Chài do linh mục tuyên úy Micae Phạm Bá Tước cùng các quân nhân công giáo xây dựng năm 1975. Ngày ấy, giữa lúc chiến trường đang sôi động thì vào sáng thứ 7 ngày 15 tháng ba năm 1975, cha Micae Phạm Bá Tước cùng cha Phê rô Nguyễn Cấp và cha Gioakim Nguyễn Hoàng Trí đã cùng nhau cử hành thánh lễ đồng tế dưới chân tượng đài để tạ ơn Chúa và Mẹ Maria đã phù hộ cho công trình được hoàn thành bình an. Ba ngày sau đó, Đức giám mục giáo phận là Đức cha Phao lô Huỳnh Đông Các đã tới làm phép tượng đài với sự tham dự của hàng trăm giáo dân Phú Yên.

Chỉ hơn một tháng sau ngày khánh thành tượng đài Đức Mẹ Hòa Bình ấy, cuộc chiến tranh bắc nam từng kéo dài hơn 20 năm đã chấm dứt, hòa bình đã trở lại với non sông đúng như những nguyện ước mà giáo hội gởi gắm qua danh xưng tượng đài : Đức Mẹ Hòa Bình.

Vì xây dựng chưa xong nên chỉ khu vực tượng đài là hoàn chỉnh còn lối lên đồi vẫn đầy gập ghềnh, thế mà ngay những năm khó khăn sau đó, nhiều bàn tay giáo dân đã giúp xây nên một lối lên đài Mẹ đầy thuận lợi. Ngày nay, dù đường vào còn phải mượn lối đi của một công ty tư nhân, nhưng vẫn thường xuyên có người tới cầu nguyện dưới chân Mẹ.

Cũng như tượng đài Đức Mẹ Hòa Bình, hang đá Đức Mẹ Mã Vôi ở Tịnh Sơn cũng được xây dựng từ những bàn tay quân nhân, chỉ khác một điều là bàn tay của người lính đã xây nên hang đá này lại là một người không có đạo. Một người lương mà lại đi xây hang đá để kính Đức Mẹ, một sự lạ chẳng đâu có.

Người lương ấy là ông Nguyễn Văn Tấn, đại úy VNCH. Ông đã cho xây hang đá Mã Vôi này vào năm 1961 khi đang là chỉ huy trưởng quân đội yếu khu Phú Đức (Sông Hinh) là nơi hang đá Đức Mẹ tọa lạc. Ông làm hang đá này có sự đồng ý cũng như những góp ý của cha sở giáo xứ Tịnh Sơn lúc bấy giờ là cha Phê rô Nguyễn Kỳ Hội.

Lý do nào đã xui khiến một người ngoại đạo là đại úy Tấn bỏ tiền của lẫn công sức ra xây hang đá để dâng kính Mẹ ? Dù mới chỉ hơn 50 năm mà giờ đây không còn ai biết cái lý do đó nữa, những gì mà ngày nay ta còn biết được đó là trước khi đi lính, đại úy Tấn từng có thời gian theo học tại một trường công giáo nên hẳn ông cũng có những hiểu biết nhất định về đạo, về Mẹ Maria và ông ta đã cho xây hang đá Mã Vôi này là nhằm mục đích tạ ơn Đức Mẹ vì đã ban cho ông một ơn nào đó như những gì mà phiến đá ông đặt dưới chân Mẹ đã nói lên : Tạ ơn Đức Mẹ.

Nhưng Đức Mẹ đã ban cho ông ơn gì ? Không một ai biết ! Có người nói đó là do ông được Đức Mẹ cứu thoát cách kỳ lạ sau một đợt vây bắt của quân địch. Có người nói do ông được Đức Mẹ chữa lành bệnh, rồi cũng có người nói do ông được người dân tộc Ê đê ở buôn Mã Vôi, nơi ông đóng quân kể lại về một bà mặc áo trắng hiện ra trên cây phong nằm sau lưng hang đá…

Sau khi hang đá được hoàn thành, ngoài phiến đá ghi Tạ ơn Đức Mẹ mà ta đã kể ở trên thì phía trước, dưới hai chân bàn thờ ông còn cho chạy chỉ xi măng hai câu : Thành tâm tu lý – Đại úy Nguyễn Văn Tấn. Có nghĩa là Đại úy Nguyễn văn Tấn xin thành tâm tu theo đạo lý. Hai câu này ngày nay đã bị đục bỏ.

Năm 1969, lúc chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt, thấy hang đá nằm nơi hẻo lánh dễ bị xúc phạm nên khi xây nhà thờ Đức Bình ở thôn Đồng Phú nằm gần đó, cha Phê rô Nguyễn Kỳ Hội đã cho rước tượng Mẹ về đặt trên bệ cao trước tiền đường nhà thờ và tượng đó cho tới nay vẫn còn.

Sau 1975, thời cha Giuse Lê Thu Thâu làm cha sở Tịnh Sơn, cha phó Phanxicô Phạm Đình Triều cùng một vài giáo dân đã đi ghe qua sông Ba để đặt một bức tượng Đức Mẹ mới lên hang đá, và liền sau đó, cha Giuse Lê Thu Thâu đã tới làm phép tượng.

Khi cầu Sông Ba nối liền hai huyện Sông Hinh và Sơn Hòa được xây dựng, cầu nằm kề ngay dưới hang đá Đức Mẹ Mã Vôi và do đây là một khúc sông uốn lượn nên mỗi khi đứng trên cầu, ta thấy dường như hang đá Mẹ nằm ngay giữa dòng sông. Khung cảnh trông thật đẹp đẽ.

Dù tọa lạc ở một nơi xa xôi nhưng hang đá Đức Mẹ Mã Vôi lúc nào cũng có người tới cầu nguyện và hoa tươi dâng kính Mẹ không lúc nào thiếu.

 

Cát Giang

Leave a Reply