RA ĐI VỚI “CHIÊC LỌ MỎNG DÒN”
RA ĐI VỚI “CHIÊC LỌ MỎNG DÒN”
(LỄ TIỆC LY 2017)
Rev.Hien Truong
Tin mừng Thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe đã mở đầu bằng một mệnh đề mà trong đó có tới 2 từ “GIỜ” được nhấn mạnh : “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết “GIỜ” của Người đã đến, “GIỜ” phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha.”
Chúng ta biết, Thánh Tông Đồ Gioan đã khéo léo tổng hợp ý nghĩa thần học về khái niệm “Giờ” của Thánh Kinh bao gồm 2 ý niệm : “Giờ” cánh chung của chương trình cứu độ (Cánh chung luận) và “Giờ” khổ nạn của Đấng Cứu Thế (Ki-Tô luận).([1])
Thật vậy, với Thánh Gioan, Đức Kitô chính là Đấng được Chúa Cha sai đến để thực hiện chương trình cứu độ (tôn vinh Thiên Chúa – Cứu độ con người) ; và Ngài đã thực hiện hoàn tất chương trình đó qua con đường “vượt qua” của mình (Khổ nạn-chết-sống lại-lên trời). Chính trong viễn tượng đó, Thánh Gioan đã trình bày một Đức Kitô dấn thân vào hành trình khổ nạn như tiến tới đĩnh điểm của cuộc tôn vinh, của ngày toàn thắng, của sự mạc khải tối hậu chân dung và sứ mạng của Ngài :
“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23).
“Lạy Cha, giờ đã đến ! xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha ! (Ga 17,1)
Và chính qua khung cảnh phụng vụ của Thánh lễ Tiệc Ly nầy, Lời Chúa và cách “giải trình” của các nghi thức phụng vụ đã cho chúng ta từng bước đi sâu vào huyền nhiệm “Giờ” của Đức Kitô, để từ đó, chúng ta sống cái “giờ” của Ngài trong chính đời thường của chúng ta hôm nay.
Trước hết, trích đoạn sách Xuất Hành tường thuật lại nghi lễ Vượt Qua mà Chúa truyền cho Mô-sê và A-ha-ron thông báo cho dân Ít-ra-en thực hiện trước khi “xuất Ai Cập” lên đường về đất hứa. Dấu chỉ đặc trưng của “bữa ăn Vượt Qua” nguyên thủy nầy chính là “Con chiên bị sát tế” và “máu chiên ghi trên khung cửa nhà”. Cũng như bao người Do Thái khác, Đức Kitô hằng năm đã cử hành Lễ Vượt Qua nầy; và chính trong bữa ăn Vượt qua cuối cùng – Giờ đã đến- (mà hôm nay Phụng Vụ đang tái diễn), Đức Kitô đã biến mình thành “con chiên vượt qua bị sát tế” khi biến bánh thành thịt và rượu thành máu. Lễ Vượt qua của giao ước cũ (Cựu Ước) mang giá trị tiên báo nay đã được hoàn tất và hiện thực qua Tiệc Thánh Thể của Giao ước Mới. “Máu Giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội…” ([2])
Và chúng ta cũng biết rằng : sau khi cử hành Lễ Vượt Qua, dân Ít-ra-en đã cùng với Mô-sê lên đường, vượt qua kiếp đời nô lệ để tìm về đất hứa của tự do trong đời sống của một dân tộc được Chúa tuyển chọn. Trong khi đó, sau Tiệc Thánh Thể, Chúa Kitô đã dấn thân vào con đường khổ nạn-chết trên thánh giá và phục sinh để mang ơn cứu độ cho đoàn Dân Mới được cứu chuộc : “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.”(Ga 12,32).
Còn chúng ta thì sao ? Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Cô-rin-tô nơi BĐ 2 đã nhắc nhở : “Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn bánh và uống chén nầy, là anh em loan truyền Chúa chịu chết”. (1 Cr 11,26). “Loan truyền Chúa chịu chết” phải chăng là làm chứng về cuộc khổ nạn của Chúa bằng việc chết cho tội lỗi của chính mình, bằng việc đón nhận những thương đau khổ lụy xảy đến giữa đời thường với tất cả tình yêu và trung tín, bằng việc biến cuộc sống trở nên “tấm bánh được bẻ ra” qua sự dấn thân sẻ chia và phục vụ mọi người trong tinh thần quảng đại, vị tha, bác ái…
Và đó lại chính là điều mà Tin Mừng Thánh Gioan được trích đọc trong Lễ Tiệc Ly hôm nay nhắm đến, khi Ngài cố ý không nhắc tới việc “Truyền Phép” mà lại nhấn mạnh tới dấu chỉ “Rửa Chân”. Vâng, Thánh Thể chính là sự hạ mình thẳm sâu của Đấng là Mục Tử tối cao sẵn sàng vì đoàn chiên mà trở nên “hạt lúa mì mục nát trong lòng đất”, của Đấng là “Tấm bánh được bẻ ra” để nên “lương thực trường sinh nuôi sống con người”, của Đấng là Thầy, là Chúa mà sẵn sàng cúi xuống, cởi bỏ vinh quang Thiên Chúa để trở thành tôi tớ “rửa chân cho anh em”…
Chính nghi thức “Rửa Chân” được đan xen vào Lễ Tiệc Ly hôm nay đã nói lên tất cả chiều kích mục vụ của mầu nhiệm Thánh Thể ; và phải chăng đó cũng chính là mối tương quan mật thiết giữa Thánh Thể và chức linh mục thừa tác : “Hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”. Đã là linh mục thì không thể xa lìa Thánh Thể ; và đã cử hành Thánh Thể thì không thể lìa xa Đức Kitô. Cho nên, chúng ta không chỉ quy tụ chung quanh linh mục để cử hành Thánh Thể cho riêng mình mà còn phải hiệp thông và cầu nguyện cho chính các Ngài được luôn trở nên “những mục tử như lòng Chúa mong ước”, những mục tử sẵn sàng “hy sinh mạng sống vì đàn chiên” (Ga 10,11).
Sau tiếng chuông trống rộn ràng của bài ca Vinh Danh hôm nay, Phụng Vụ sẽ dẫn cộng đoàn chúng ta đi vào trong cái im lặng thánh thiêng của “phòng Tiệc Ly”, của “đêm hấp hối trong Vườn Dầu” và của “chiều ảm đạm trên đồi Sọ”. Chắc chắn những phút giây lặng thầm bên Nhà Tạm sau Thánh lễ sẽ là những thời khắc thật quý hóa và sâu lắng để chúng ta cùng với Dân Chúa khắp nơi suy niệm và cầu nguyện về sự Thương Khó, về tình yêu thẳm sâu, về những phản bội của loài người qua những gương mặt như Giuđa, Phêrô, về những thái độ và tâm tình yêu mến của Mẹ Maria, ông Simon, bà Vêrônica…
Như vậy, cử hành Lễ Tiệc Ly hôm nay, mỗi người chúng ta được một lần nữa đón nhận chính “quà tặng tuyệt vời nhất”([3]) để nhờ đó kết hợp với đời mình và toàn thể dân Chúa làm nên “Lễ Tạ Ơn” trọn hảo như đúng tên gọi của bí tích Thánh Thể : EUCHARISTIA : LỄ TẠ ƠN ; và một lần nữa được gọi mời sống chính cái “Giờ” đặc biệt của Chúa Giêsu, Giờ yêu thương tự hiến, Giờ phục vụ khiêm hạ, Giờ cứu độ vinh quang…, cái “Giờ” mà diễn tả theo ngôn ngữ thi ca của nhà thơ Trăng Thập Tự, đó chính là “Giờ” :
… ta sẽ đem thịt máu mình ra khoản đãi !
Phải rồi, phải rồi, tại sao không ?
Ta sẽ trao chén máu tươi hồng
Và sự sống run trong từng thớ thịt.
Ai nếm thử, sẽ đời đời không chết,
Đúng hơn, nó sẽ sống đời đời.
…
Ta cũng mang theo đây chiếc lọ mỏng dòn
Nhốt sẵn chất thơm của ngàn muôn thế kỷ.
Ta sẽ đập vỡ mà không lo uổng phí
Vì ta cần xức dầu thơm ta lên khắp cả vũ hoàn…([4])
Vâng, thế giới hôm nay cần được xức lên hương thơm từ “chiếc lọ mỏng dòn” là chính Thân Mình của Đức Kitô, là chính Thánh Thể của Đức Kitô. Và mỗi người chúng ta, sau mệnh lệnh : “ITE MISSA EST” (Lễ đã xong, nào hãy lên đường), có trách nhiệm mang “chiếc lọ mỏng dòn đó” giới thiệu và chia sẻ cho anh em trên mọi nẻo đường trần thế. Amen.
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
[1] Gm. Giuse Võ Đức Minh : CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU THEO THÁNH GIOAN (Ga 18-19)
[2] Lời truyền phép trong KNTT, theo Sách lễ Rôma.
[3] Đức Cố GH G.P.II trong Thông điệp về Thánh Thể : “Hội Thánh đã đón nhận Thánh Thể từ Đức Kitô, Chúa của mình, không như một quà tặng – dẫu quí giá – giữa nhiều quà tặng khác, nhưng là quà tặng trỗi vượt, vì quà tặng đó chính là bản thân Người, quà tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của công trình cứu độ…”.
[4] Trăng Thập Tự, bài thơ “Đáp Lễ”.
Recent Comments