BÊN NHÀ THỜ

Bên nhà thờ.

Thuở còn thơ ngày hai buổi tới nhà thờ…

Buổi sáng lúc trời còn chưa sáng và buổi tối lúc trời vừa sập tối. Ngày nào cũng vậy. Mùa nào cũng thế. Quanh năm suốt tháng mưa nắng y chang nhau, chị em tôi cùng đi nhà thờ với ba mẹ. Nhà thờ cũ. Nhà thờ Triều Thủy. Nhà thờ tuổi thơ. Buổi sáng xem lễ, buổi tối đọc kinh.

Con nít nên chuyện ngủ gục trong nhà thờ là chuyện thường. Tuy nhiên buổi sáng, dù lúc lễ có ngủ mê cỡ nào thì khi lễ xong thằng tôi vẫn kịp thức dậy, đưa hai tay gỡ hai cục ghèn để lấy lại nét tỉnh táo, rồi hai cẳng cứ như hai cẳng sáo nhảy khỏi nhà thờ.

Nhưng buổi tối thì không được thế vì đã có lần kinh kệ xong xuôi, thiên hạ ai về nhà nấy hết rồi mà thằng tôi vẫn còn nằm khò trong nhà thờ, báo hại ba mẹ dáo dác chạy tìm con. Con ới con ời khắp xóm không nghe thưa. Leo lên động cát là nơi lũ tôi hay tụ tập chơi đốt thuốc bồi không thấy, chạy xuống bờ sông tìm vì biết đâu nó mò theo tiếng dế gáy cũng chẳng ra. Cùng đường, ông bà mới tới nhà thờ nhờ ông từ mở cửa xem thử. Trong thinh lặng linh thiêng, bên hàng ghế thằng nhỏ đang ngáy khò khò. Hồn vía nó chắc đã kịp đi chu du thăm thú khắp cả chín tầng trời rồi.

Phía bên phải nhà thờ có mấy cây muồng mọc chẳng theo hàng lối nào cả nhưng tất cả bọn chúng đều vươn lên cao chỉ duy nhất có một cây lùn là ở lại, nó lùn tới độ tàn lá của nó người chưa lớn đứng còn đụng đầu. Không phát được chiều cao thì cây nẩy chiều ngang. Cành lá xỉa tứ lung tung, lượn qua lượn lại rồi giao cành với nhau tạo thành những khoảng trống có thể chứa cả tiểu đội. Lũ nhóc tụi tôi hay rủ nhau leo lên cây này mà chơi dại : bốn năm thằng cùng trèo lên trốn, một thằng bịt mắt có nhiệm vụ lần theo tìm, thằng nào để cho thằng bịt mắt kia rờ được là thằng ấy chết.

Cái câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” ngày nay nhiều người tuy lớn mà vẫn không hiểu nghĩa là gì nhưng với lũ nhóc tụi tôi thì ngày ấy đã hiểu rõ. Con chuột kia đã chạy trốn ra tới tận mút ngoài cành mềm rồi mà cái thằng bịt mắt vẫn cứ liều mạng lần theo. Với tay để chuyền sang cành bên kia thì xa, mà ở lại thì chết. Hồi hộp lắm. Chưa nói tới sự cố gãy cây, nội cái chuyện trượt tay để lọt cả người xuống miếng đất “sư phạm” màu mỡ ở phía bên dưới thì thằng nào mà chẳng từng. Một lần có thằng té xuống miếng đất sư phạm ấy rồi nằm bất tỉnh nhơn sự, hỏi không thưa, nói không đáp làm cả lũ sợ xanh mặt vì cứ ngỡ nó đã lên thiên đàng. May sao cuối cùng rồi nó cũng hồi tỉnh. Nảo chưa bị chấn thương sọ. Ôi ! Đúng là con nít chơi dại .

Cũng trên cây muồng này, thỉnh thoảng vào chiều ngày chủ nhật, trước giờ lễ tụi tôi lại rủ nhau leo lên cây ngồi nhìn thiên hạ đi lễ . Mấy ông thì kẻ mặc áo chùng thâm quần ống sớ, kẻ áo sơ mi quần tây. Mấy bà thì bà áo dài thâm, bà áo dài trắng, mà bà nào bà nấy đều đeo bên mình một bộ chuổi Mân côi dài cả thước. Chuổi này chẳng những dùng để lần chuổi mà còn để làm dáng. Đi nhà thờ mà có đeo bộ chuổi ấy thì chẳng khác nào ngày nay các cô đeo cái túi Dolce & Gabbana hàng Italy bên người vậy. Sang ghê lắm. Bộ chuổi cứ đung đưa theo nhịp bước chân làm toát lên cái nét dịu dàng đoan trang của người phụ nữ. Thế mà chẳng hiểu vì sao cái thứ chuổi lòng thòng ấy ngày nay không còn được ai xài nữa. Nghĩ cũng uổng.

Sau lưng nhà thờ, gần bờ sông còn có một hàng cây keo mà hình như trái nó ra quanh năm vì tôi nhớ cả mùa mưa lẫn mùa nắng mình đều từng có lần xách khèo đi kiếm ăn. Hình ảnh những trái keo vỏ ửng hồng, mập tới nứt miệng lủng lẵng treo trên cành cao đung đưa theo ngọn gió sẽ chẳng bao giờ phai nhạt trong tâm trí. Keo cùng với sam chua, chim chim, du dẻ là những mặt hàng trái cây dại chủ lực giúp lũ nhóc con nhà nghèo giải quyết chuyện thèm ăn. Ôi ! Những trái keo hạt đen nhánh như răng đen hạt huyền, cơm trắng hồng như hoa hồng trắng vừa ngọt vừa bùi của một thời thơ dại tôi.

Bên hông nhà thờ phía nhà xứ còn có những bụi cây mủ (?) thân trắng, lá trắng và mủ tiết ra cũng trắng luôn. Mấy chùm hoa tím trắng của nó dù mộc mạc nhưng lại ngọt ngào, chẳng những quyến rũ được lũ ong bay tới hút mật mà còn lôi được cả lũ nhỏ tới hút mật ké. Bẻ cái nhụy hoa cứng của nó ra là ngay lập tức một giọt mật vừa lóng lánh vừa ngọt ngào từ ruột hoa ứa lên sẵn sàng cho ta mút.

Phía sau lưng nhà thờ, cách khoảng hơn 20 thước có một dòng sông mà lũ tôi thường xuống tắm : sông Chùa. Rồi phía trước nhà thờ còn có một động cát trắng rộng mênh mông là nơi lũ tôi vẫn chiều chiều chia phe đánh giặcchơi đốt thuốc bồi. Rồi khi chiều xuống lại kéo nhau tới đó nằm dài lên cát mà ngắm từng đám mây trời trôi lang thang, mà thả hồn theo tiếng sáo diều ba cha Khánh thả baytít trên cao.

Còn nhiều lắm, nhiều lắm, nhiều tới độ tôi luôn mơ ước được một lần trở về… cái thuở còn thơ ngày hai buổi tới nhà thờ.

 

Cát Gian

Leave a Reply