Không tìm ra em bé ấy
KHÔNG TÌM RA EM BÉ ẤY…
(suy tư Tin Mừng CN 17 TN B 2015)
Pm.Cao Huy Hoàng
__________________________________________________
Hôm ấy, người ta theo Chúa Giê-su để nghe Chúa giảng dạy. Trong số gần 5000 người đàn ông kia, không ai dám biết là có được mấy người không có ý chờ đợi một dấu lạ. Hẳn là, chỉ có Chúa Giê-su biết rõ tâm ý của từng người. Và Ngài biết mình phải làm gì để mạc khải về Nước Thiên Chúa.
Việc Ngài làm rõ ràng có một trình tự đã sắp sẵn
-nhận thấy đoàn người kia đang đói
-bảo các môn đệ phải lo cho họ ăn
-mời họ ngồi xuống như ngồi vào bàn tiệc
-thức ăn thiết đãi chiều nay là thức ăn của một em nhỏ, mà lòng không nhỏ mọn.
Và như thế, qua phép lạ bánh hóa ra nhiều, Chúa đã mạc khải Nước Thiên Chúa như một bữa tiệc thiết đãi cho toàn dân bằng thức ăn của người bé mọn nhất, không ai khác, chính Ngài.
Hình ảnh em bé ấy, con người bé nhỏ ấy, con người đơn sơ hiền lành ấy, con người không hề biết tính toán mưu lợi cho riêng mình ấy, con người sẵn sàng cho đi ấy… là hình ảnh của chính Con Chiên Thiên Chúa. Năm chiếc bánh và hai con cá của em bé ngày ấy, đã là dấu chỉ biểu trưng cho một cuộc hiến tế không chỉ trên thập giá, mà còn ngay trên bàn thờ, nơi Bí Tích Thánh Thể mến yêu: Thịt Máu Đức Giê-su đã trở nên thức ăn, nên bánh và cá, trong bữa tiệc Nước Thiên Chúa ngay hôm nay, trên hành trình về Nước Thiên Chúa vĩnh cửu.
Từng chi tiết trong toàn cảnh chiều nay, mạc khải toàn bộ chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa Cha: Ngài nhìn thấy nhân loại đang đói, Ngài bảo Con Một Ngài phải lo cho nhân loại ăn, Ngài bảo Con Một Ngài phải mời mọi người vào bàn tiệc, và Ngài bảo chính Con Một Ngài phải trở nên lương thực cho nhân loại.
Nếu cả 5000 ngàn người cùng dùng chung một loại thức ăn là bánh và cá, thì cả nhân loại này cũng chỉ dùng một loại lương thực trường sinh chính là Đức Giê-su…
Có cả một kho tàng mầu nhiệm cứu rỗi để chúng ta suy gẫm qua phép lạ bánh hóa ra nhiều. Thiết tưởng, nên chú ý cách riêng đến em bé trong biến cố này, trong lúc mọi người đang đói. Nếu là một người lớn, hoặc là người nghĩ mình đã khôn lớn, thì hẳn sẽ làm thinh mà giấu cất phần ăn nhỏ bé kia, hoặc sẽ lẳng lặng tìm một bụi chuối hay một góc khuất mà chui vào đó ăn một mình… không dám sẻ chia!
Nói đến cái đói, thì có thể nói, người Việt Nam dễ hiểu hơn ai cả, vì họ đã từng đói trong những nạn đói, mùa đói, năm đói, tháng đói. Có cái đói do thiếu, do hụt. Có cái đói do không dám sẻ chia. Thiếu vì hạn hán mất mùa, thiên tai lũ lụt, mùa màng mất trắng. Thiếu, do nhà mình không có lấy một công ruộng, nên phải làm thuê mướn mua gạo ký qua ngày. Ngày không có tiền thì dĩ nhiên thiếu gạo, ngày có gạo thì lại thiếu tiền. Cuộc sống bấp bênh trôi nổi. Hụt, do mùa năm trước kém, ăn không giáp hạt đến mùa năm nay. Hụt, do cái nợ bán lúa non để đến khi lúa nhà mình già, lúa nhà mình chín, lúa nên hạt vàng phơi phong khô khén thì lại đem đổ vào lẫm của người ta mà trả nợ. Hụt, do mình chủ ruộng bỗng dưng trở thành kẻ làm thuê cho nhà nước, bởi vì ruộng nhà mình đã được quốc hữu hóa trọng thể, mùa lên thì phải xếp hàng mua từng ký gạo ẩm mốc hôi ê. Ôi, những kỷ niệm đau thương về chuyện đói.
Không ít gia đình đã từng vượt qua những nạn đói, mùa đói, năm đói, tháng đói bằng cách người lớn bỗng trở thành trẻ nhỏ, trẻ nhỏ bỗng trở thành người lớn, cha mẹ nhường phần ăn cho con nhỏ, còn cha mẹ thì ráng mà chịu cho qua ngày. Đáng thán phục những chuyện đói trên đường vượt biển: những phần ăn còn lại nhỏ xíu được ưu tiên dành cho người kiệt sức nhất trên ghe. Đáng ca tụng, ghi nhớ, và tạ ơn Chúa biết bao, khi nhắc đến những ngày đói sau 1975 của những cộng đoàn tín hữu, vì họ đã chia cho nhau từng hạt muối, củ khoai, mà nuôi nhau qua ngày. Thì ra, hình ảnh em bé ngày xưa ấy vẫn đang sống động.
Những tưởng, sau bốn mươi năm, hình ảnh em bé sống động ấy, sẽ mỗi ngày sống động hơn, ai dè, khó tìm ra quá, không tìm ra em bé ấy nữa trong một xã hội được huấn luyện vô cảm nhiều hơn là chạnh lòng thương.
Chuyện dĩ nhiên là nếu không có cái gì để ăn, thì chết đói. Nhưng không dễ gì ai chịu chết ngay. Chuyện thường tình là trước khi chết thì người ta sinh ra hỗn loạn, giành giựt nhau, chém giết lẫn nhau, tranh thủ sống… tự nhiên như luật sinh tồn, ai chết mặc ai miễn là ta sống. Có khác gì đó là hậu quả của sự vắng bóng em bé, vắng bóng chút chạnh lòng thương trong một toàn thể vô cảm.
Vâng, rõ ràng là:
Không thể nào tìm cho ra em bé ấy, em bé của ngày xưa ấy, nơi bãi chính trường của toàn là những người lớn. Bãi chính trường đương bát nháo, hỗn độn, vì những người lớn đang đói khát cái quyền lực, đến nỗi giành giựt với nhau từng miếng ăn, từng chỗ ngồi, từng mối lợi; đến nỗi phải cãi vả, hạ nhục nhau, bài xích nhau, bêu xấu nhau những chuyện riêng kín vô liêm sĩ; đến nỗi có thể cắn xé nhau, thanh trừng nhau, loại trừ nhau cách tinh vi mà tàn nhẫn nhất; đến nỗi không còn chút tình đồng loại, đồng hương, đồng khói, đồng bào, và cả đồng chí nữa. Giá mà có em bé ngày xưa ấy trong đám ông to bà lớn kia, hẳn em bé sẽ nói với họ rằng: “tôi có năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ”, xin nhường cho tất cả chúng ta, thì hẳn là quí vị ấy sẽ hiểu ra thế nào là phép lạ của sự nhường và nhịn.
Không thể nào tìm cho ra em bé ấy nơi chốn thương trường cũng của toàn những người lớn. Ai cũng đang đói khát giàu sang, tiền bạc phú quý, phương tiện. Không biết đến khi nào họ mới cảm thấy no đủ. Không dễ gì người ta dừng lại cuộc đua lợi nhuận, khi trong tay mình xoành xoạch một mớ vốn liếng vô hồn. Họ sẵn sàng để cho những đồng tiền ấy đi ra với mục đích thu tích về cho mình những đồng tiền to hơn, giá trị hơn vào kho lẫm của họ, bất kể cách nào, miễn là mau lợi nhuận, siêu lợi nhuận nhất. Chốn thương trường cũng đang vì cái đói mà mưu toan, lọc lừa nhau, và cũng có cả chuyện thanh toán nhau cách lịch sự nhẹ nhàng nhất. Giá mà có em bé ngày xưa ấy trong đám ông to bà lớn kia, hẳn em bé sẽ nói với họ rằng: “tôi có năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ”, “chẳng mua bán gì đâu, ai đói thì cứ ăn”, hẳn quí thương gia kia trước hết sẽ bỉu môi mà khinh bỉ rằng có thấm vào đâu cho sức ăn của chúng tôi, nhưng rồi sẽ nghiêng mình khâm phục vì chỉ chừng ấy mà cả ngàn người ăn hoài không hết.
Không thể nào tìm cho ra em bé ấy nơi tình trường bi đát của toàn là những người lớn, yêu theo kiểu người lớn giả dối, điêu ngoa, không có chút tình nào thành thật. Họ mãi mãi đói một chút tình, bởi vì, chút tình phàm tục kia đã không bao giờ làm cho họ thỏa mãn. Không thỏa mãn là còn đang đói khát tình, và cơn đói khát tình phàm tục ấy đã khiến người ta có thể thực hiện bất kỳ hành động vô nhân nào, miễn là họ được thỏa mãn! Ly dị, ly thân, phá thai từ trong trứng nước, giết người tình kiểu man rợ… tất cả đều bởi nguyên nhân vắng bóng em bé của ngày bánh hóa ra nhiều…
Xin mời bạn hãy nối dài suy tư về việc “không tìm ra em bé ấy” trong biết bao chuyện đói ngày hôm nay, để chúng ta sẽ cùng gặp nhau ở một điểm chung kết: bao lâu xã hội, con người, gia đình và cá nhân hôm nay còn loại trừ sự hiện diện của Đức Giê-su “khiêm nhường và hiền lành”, còn loại trừ giáo lý Đức Giê-su trở nên bé nhỏ, còn loại trừ Đức Giê-su biết chạnh lòng thương và dám chia sẻ đời mình cho mọi người…. thì bấy lâu, còn đói khát, còn bát nháo…
Lạy Chúa, xin cho chúng con mặc lấy tâm tình của em bé ngày xưa ấy, mặc lấy trái tim “hiền lành và khiêm nhượng” của Chúa Giê-su, để dám sẻ chia cho mọi người tất cả những gì là cần thiết cho cuộc sống hôm nay và vĩnh cửu. A men.
PM. Cao Huy Hoàng, 23-7-2015
Recent Comments