TƯỞNG NHỚ

TƯỞNG NHỚ…
Tác giả: Nguyễn Ngọc Thể

tuongnhoNói đến cái chết của một con người, ngôn ngữ Việt nam có nhiều cách nói khác nhau. Chẳng hạn như: Ông hay bà ấy đã tịch rồi, đã nhắm mắt xuôi tay từ lâu. Ông hay bà ấy đã sang bên kia thế giới, đã quy tiên, đã mãn phần, đã qua đời, vừa sinh thì (tiếng nhà đạo), đã sang bên kia thế giới, đã giã từ cõi thế, đã đi về cõi âm, đã nhắm mắt xuôi tay, đã viên tịch, đã được Chúa gọi về, vân vân và vân vân…
Nói tóm lại, con người chết có nghĩa là không còn sự sống nữa, không còn đi đứng, nói năng, sinh hoạt nữa, bỡi những lý do khác nhau, ở những hạng tuổi khác nhau. Có người ra đi vĩnh viễn lúc tuổi xế chiều. Có người giã từ cõi thế lúc tuổi còn xuân. Không phải cái chết chỉ có thể đến với người cao niên mà không xảy ra nơi người trẻ, nơi tuổi còn thanh xuân. Chung quanh ta đã có những cái chết xảy ra nơi lớp người ở tuổi vừa tròn trăng, tuổi 20, 30, hay 40… hoặc tuổi còn thơ. Có bạn trẻ nào dám chắc rằng, “tôi còn sống đến nhiều năm nữa nên còn có rất nhiều ngày tháng để vui chơi, để hưởng thụ hoặc để học hành, làm việc rồi chờ đến tuổi già sẽ nghĩ đến cái chết, đến đời sau. Lầm to. Kinh thánh đã nhắc nhở rằng: “ Cái chết đến như kẻ trộm!” Cái chết có thể đến khi nào ta không ngờ đến.
Các nhà khoa học, cho đến giờ, vẫn chưa thể quyết đoán được khi nào trận động đất sẽ xảy ra. Họ cũng chỉ đoán mà thôi. Chẳng hạn, người ta báo trước rằng, ở tiểu bang California, một trận động đất lớn (Big One) sẽ xảy ra, nhưng ngày giờ nào, đâu có ai biết. Một đường nứt dưới lòng đất (tức San Andreas fault line), chạy từ phía bắc thành phố San Francisco xuống đến vùng Los Angeles, có thể là dấu hiệu cho một trận động đất lớn. Nếu “Big One” xảy ra, thì cường độ của động đất sẽ cao đến 8.1. Thành phố đổ nát, người chết có thể sẽ không lường. Kinh khủng quá! Biết vậy, nên cũng có những người đang sống trong phập phồng, lo sợ. Tích trữ thức ăn, thức uống trong 5 năm là chuyện mà những ai biết lo xa, biết đề phòng là chuyện đương nhiên.
Cái chết cũng vậy. Ngoại trừ những trường họp mắc bệnh ung thư mà các bác sĩ đã chẩn đoán thì họ cũng cho biết được thời gian còn bao lâu nữa con bệnh sẽ sống còn, ngoài ra có rất nhiều trường hợp con người phải ra đi mà không ai đoán biết trước được. Trong những trường họp họp nguy và đột tử như thế, hỏi có mấy người chuẩn bị cho ngày ra đi của mình không? Tại một nghĩa trang nọ, tôi đọc thấy dòng chữ: “I believe. I trust. I am ready”. (Xin tạm dịch: Tôi xác tín. Tôi tin tưởng. Tôi đang sẵn sàng.
Một lúc nào đó, nếu có dịp đi vào nghĩa địa hay có dịp đi viếng người thân đã mất, chúng ta có cảm nghĩ gì? Nơi nghĩa địa chúng ta sẽ không nghe, không thấy gì khác ngoài sự tĩnh mịch, lặng yên. Qua sự tĩnh mịch này chúng ta có cảm nghiệm được rằng, cuộc sống, cho dù có đến một trăm năm đi nữa, rồi qua dòng thời gian, con người cũng sẽ đi vào cõi chết. Thử nghĩ xem, ở lớp tuổi ông bà, cha mẹ chúng ta trước đây năm, bảy mươi năm, hay gần đây, chúng ta vẫn còn có dịp gặp các người, bày tỏ sự yêu thương trìu mến mỗi khi gặp nhau. Giờ thì các người ấy ở đâu hay đã trở thành những người thiên cổ! Một thoáng buồn hiện lên trong tâm trí chúng ta và rồi chợt nghĩ đến câu: “Nay người mai tôi”. Hoặc câu
“sinh ký tử quy”, sống gởi thác về cũng khiến cho mỗi người chúng ta ngày đêm suy nghĩ.
Cuộc sống của chúng ta ở đời thực ra chỉ là một cuộc sống tạm, nay còn mai mất. Thế sao có những người vẫn còn mải mê ham vui trong cuộc sống tạm, vẫn còn tiếp tục gây thù chuốc oán cho nhau, vẫn còn đeo đuổi những những gì chóng qua, vẫn ham mê bạc tiền, của cải trần gian.
Theo L. Stephen Lang trong quyển sách của ông “the Complete Book of Bible Promises”, có 3 cách để đối diện với cái chết: “Không màng đến cái chết, sợ chết, hoặc mong chết.” Nhưng nhiều người trong chúng ta đều chọn cách thứ nhất, tức là không quan tâm đến cái chết. Tới đâu thì tới. Việc gì mà phải nghĩ tới nó. Tuy nhiên, “nếu có ai trong chúng ta đang mắc bệnh nan y gần chết, thì nỗi sợ chết chắc không tránh khỏi. Vậy, trong những trường hợp này, khi nào không màng đến cái chết, chúng ta có thể sợ chết, hoặc trông mong cho cái chết đến?”

Tiếng chuông vang vọng thong thả buông rơi dưới ánh chiều tà, như báo hiệu một nhân sinh vừa giã từ cõi thế, một người vừa nằm xuống và đã vĩnh viễn ra đi. Người ấy có thể là một người thân yêu, một người bạn cố tri, nay đã không còn nữa! Là những người con của Chúa, là những người cùng một niềm tin hay không, chúng ta vẫn âm thầm tưởng nhớ đến một người vừa ra đi và âm thầm xin cho họ được an giấc ngàn thu trong Chúa.

Nguyễn Ngọc Thể
(11/2015)

Leave a Reply